Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 13/4/2012 21:36'(GMT+7)

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách người có công

Các đối tượng người có  công đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Các đối tượng người có công đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Ngày 13/4, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng” tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo, chính sách ưu đãi  người có công là  một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của  Đảng và Nhà nước ta.

Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi đối với người có công từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, bao phủ  hầu hết các đối tượng người có công, đồng thời bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mức trợ cấp ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  

Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành liên quan, các  địa phương đã quan tâm đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người có công.

Có thể nói, các đối tượng người có  công đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ,  đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu người có công, trong đó phải kể tới có 49.609 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.253 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến, 781.021 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, gần 185.000 bệnh binh, 236.137 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (149.771 người trực tiếp; 86.366 con đẻ)….

Hiện, trên 1,4 triệu người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước.

Tuy nhiên, báo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách cũng cho biết, vẫn còn một bộ phận người có công còn gặp khó khăn trong đời sống do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng 5% số người có công có mức sống dưới trung bình của cộng đồng, ở một số ít địa phương điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn tỷ lệ này từ 10-20% hoặc cao hơn… 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu cũng đề nghị cần khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; xử lý nghiêm một số hiện tượng tiêu cực.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trước hết phải bảo đảm để người có công có cuộc sống ấm no, có nhà ở, con em được học hành, người ốm đau được chữa bệnh. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, cần đẩy nhanh hơn tiến độ hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành, khẩn trương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ  và các bộ, ngành liên quan trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, rà soát, điều chỉnh, bổ sung ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền cho phù hợp.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử  lý một số vấn đề như điều chỉnh chế độ điều dưỡng người có công từ 5 năm một lần xuống ít nhất 2 năm một lần hoặc 5 năm 2 lần, vì đa số người có công nay tuổi đã cao.

Đồng thời, tiếp tục cho giám định lại thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh khi có vết thương thực thể bị tái phát; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho thân nhân liệt sỹ đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ ngoài nghĩa trang liệt sỹ.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi tiêu chí xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất  độc da cam; hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong xử lý các hồ sơ tồn đọng; giảm bớt phiền hà về thủ tục hành chính.

Ủy ban nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công, trong đó tập trung các nội dung: Công nhận người có công; nâng cao mức sống, giải quyết nhà ở cho người có công; rà soát, giải quyết các vấn đề tồn đọng./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất