Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường đã nắm rất rõ vấn đề, tình hình, đặc biệt là thực
trạng về môi trường mà nhân dân cả nước rất quan tâm, những vấn đề bức
xúc thuộc lĩnh vực mà ngành tài nguyên môi trường quản lý. Bộ trưởng đã
trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu nêu
cũng như hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá như trên trong phần
phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sáng 16/11.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phiên chất
vấn với nhóm vấn đề thứ 2, có 46 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và tại
phiên chất vấn chiều 15/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trực tiếp trả lời
11 đại biểu; 35 câu hỏi còn lại, trong đầu giờ sáng 16/11, Bộ trưởng đã
tổng hợp và trả lời theo nhóm vấn đề rất rõ ràng.
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn
cho thấy đây là nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm,
có tác động mạnh đến đời sống và sản xuất của người dân, đến phát triển
bền vững của đất nước.
Nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề
sau: Tình trạng ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, các
khu, cụm công nghiệp, làng nghề; việc xả thải gây ô nhiễm môi trường ở
các lưu vực sông; việc xử lý, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển
liên quan đến dự án Formosa, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân để xảy
ra sự cố này; việc quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng
sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi ở các lòng sông; vấn đề giải quyết ô
nhiễm môi trường của các dự án điện đã và đang hoạt động và các dự án
sẽ triển khai theo sơ đồ quy hoạch điện VII; việc triển khai các giải
pháp nâng cao khả năng ứng phó với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn
hán; trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong triển khai hoạt động đánh
giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; công tác kiểm tra,
giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường…
“Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi
rất thẳng thắn, bám sát thực tiễn và bám sát các nhóm vấn đề đã chọn”,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cũng như Bộ
trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Trần Hồng Hà cũng lần đầu tiên trả lời chất vấn sau khi nhận
nhiện vụ, nhưng đã nắm rất rõ vấn đề, tình hình, đặc biệt là thực trạng
về môi trường mà nhân dân cả nước rất quan tâm, những vấn đề bức xúc
thuộc lĩnh vực mà ngành tài nguyên môi trường quản lý. Bộ trưởng đã trả
lời thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu nêu
cũng như hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc trả lời có một số nội
dung vẫn còn có những giải trình dài và một số nội dung cũng chưa rõ
trách nhiệm của ai, của ngành nào, của địa phương nào ngoài nhận trách
nhiệm của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề
nghị Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có
các giải pháp tích cực, hiệu quả và kịp thời hơn để khắc phục những vấn
đề bức xúc mà ngành đang phải đối mặt và tham mưu cho Chính phủ làm rõ
một số vấn đề sau: Rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng ô nhiễm môi
trường, có giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả việc kiểm soát chặt chẽ
tình trạng ổ nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và ở các lưu vực sông; xác định rõ
trách nhiệm và xử lý kiên quyết các cơ sở, các dự án gây ra ô nhiễm;
kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, khai thác than;
có giải pháp xử lý hiệu quả các chất phát thải của các nhà máy điện
than; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác đầu tư xây dựng các công trình xử lý
chất thải.
Đối với dự án Formosa, có giải pháp giám
sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm thực hiện
nghiêm túc, đẩy đủ các cam kết của dự án trước khi đi vào sản xuất; chỉ
đạo, triển khai hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa
phương trong việc giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường do dự án gây ra;
thực hiện đồng bộ các biện pháp để tạo niềm tin lâu dài và ổn định đời
sống nhân dân trong vùng bị thiệt hại.
Rà soát lại hoạt động đánh giá tác động
môi trường đối với các dự án đã và đang đầu tư, sẽ đầu tư; xác định rõ
trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã
gây ra ô nhiễm sau khi đi vào hoạt động; tăng cường rà soát, quản lý
chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là việc
khai thác cát, sỏi ở các lòng sông; tiếp tục rà soát, đánh giá việc
triển khai đồng bộ các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, chống
xâm nhập mặn, hạn hán; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, làm rõ
trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc đánh giá, cấp phép,
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi
trường.
“Với những vấn đề trên, đề nghị Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung quan tâm tăng
cường quản lý Nhà nước với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phối hợp
tốt với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc giải quyết
những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành mình phụ trách nhằm khắc
phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém và xử lý, ngăn chặn những sai phạm
hoặc tái phạm có thể xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát
biểu./.
Theo Chinhphu.vn