Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 27/2/2014 22:26'(GMT+7)

Tiếp tục thúc đẩy việc thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng

Dọn thực bì phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đức Thụy

Dọn thực bì phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đức Thụy

Sáng 27/2, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch 2014 về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng gắn với Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hội nghị có sự tham gia của trên 120 đại biểu từ các cơ quan Trung ương như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 34 tỉnh, thành phố tham dự.

Qua các báo cáo của Quỹ Trung ương và các Quỹ địa phương trình bày tại Hội nghị cho thấy: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách này đã từng bước có tác động lan toả, tạo ra nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Báo cáo cũng nêu rõ, đến nay toàn quốc đã có 34 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ BV&PTR) cấp tỉnh tạo ra nguồn thu từ DVMTR giai đoạn 2009-2013 đạt gần 2.850 tỷ đồng; đặc biệt trong 2 năm gần đây (2012, 2013) số thu hàng năm có xu hướng tăng dần trên 1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2013, số thu toàn quốc đạt 1.068 tỷ đồng; theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích hưởng DVMTR đã giao, khoán bảo vệ rừng đạt 3,653 triệu hai, 18 triệu ha diện tích rừng trong các lưu vục có cung ứng DVMTR. Trong hai năm 2012, 2013, mức chi trả tiền DVMTR bình quân của toàn quốc đều đạt trên 200.000 đ/ha, đặc biệt tại một số tỉnh có mức chi trả bình quân đạt rất cao như: Lâm Đồng 350.000đ/ha, Lai Châu 289. 500 đ/ha và Kon Tum 362.000 đ/ha. 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan nêu trên, nhưng trong quá trình thực thi chính sách còn một số tồn tại hạn chế nhất định, đó là: Hệ thống các quỹ đã được thành lập, nhưng một số Quỹ chưa đi vào vận hành đầy đủ; Tình hình chấp hành thu nộp của một số đơn vị sử dụng DVMTR còn chưa đầy đủ, kịp thời và nợ đọng tiền DVMTR còn kéo dài; Giải ngân tiền DVMTR tới các chủ rừng còn chậm và đạt tỷ lệ chưa cao; Việc rà soát, xác định chủ rừng, lập hồ sơ quản lý phục vụ chi trả DVMTR còn chưa hoàn thành ở một số địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung báo cáo. Trên cơ sở các nội dung báo cáo và tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản chỉ đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, Quỹ BV&PTR Việt Nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh tăng cường thực hiện chính sách. Hy vọng, với việc làm này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong tổ chức vận hành hệ thống các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương tới các địa phương, gắn kết với việc thực thi có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR và góp phần thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014./.

Vân Khánh



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất