Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về “Nghiên cứu thử nghiệm khoanh
tạo rừng ngập mặn bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau” do Cục bảo tồn Đa
dạng sinh học, Tổng cục Môi trường thực hiện đã và đang là cơ sở cần
thiết áp dụng nhân rộng cho các vùng sinh thái tương đồng.
Mô hình trên dựa trên 100% vào cây tái sinh tự nhiên, đẩy nhanh quá
trình hình thành rừng, giúp tiết kiệm được chi phí trồng rừng ngập mặn
ven biển.
Dựa trên các tiêu chí của đề tài, Cục bảo tồn Đa dạng sinh học đã lựa
chọn khu bãi bồi của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau làm khu vực xây dựng mô
hình khoanh tạo rừng, thuộc tiểu khu IB.1 xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Phương pháp khoanh tạo bằng cách đắp các dãy bờ bao bằng xáng múc để
thiết lập thành hệ thống vật cản sóng biển. Thời điểm xây dựng mô hình
vào tháng 10/2010, trước mùa rụng quả của rừng ngập mặn (chủ yếu là cây
mắm trắng và cây đước đôi).
Mô hình được xây dựng gồm hai phần chính là diện tích trên bờ đê và diện
tích trong đê. Phần diện tích đối chứng không được đắp đê nằm từ khu
rừng hiện hữu đến phía ngoài bãi bồi.
Mô hình thử nghiệm đã mang lại kết quả rất khả quan. Cụ thể như trên bờ
đê khu vực khoanh tạo, cây tái sinh với mật độ rất cao và tăng mạnh từ
tháng thứ 3 đến tháng thứ 12.
Về thành phần loài chỉ có hai loài tái sinh trong mô hình là cây mắm
trắng và đước đôi. Trong đó loài mắm trắng chiếm ưu thế tuyệt đối. Sau
24 tháng, đường kính trung bình của rừng mắm tái sinh trên bờ đạt 4,8cm,
chiều cao 2,4m.
Sau 12 tháng khoanh tạo (hai mùa rụng quả), tỷ lệ mật độ cây tái sinh
trong đê thuộc khu vực khoanh tạo so với mật độ cây trên đê thấp hơn
nhiều. Nguyên nhân do tác động của chế độ thủy triều nên vùng đất phía
trong đê bằng phẳng nên ngập sâu, rất khó cho các hạt cây rừng ngập mặn
có thể cố định để nảy mầm.
Nhưng sau 24 tháng khoanh tạo (ba mùa rụng quả), mật độ cây tái sinh
trong bờ đê lại tăng đột biến nhờ tác dụng của bờ đê vừa làm giảm sóng
biển, vừa giúp ổn định cấu trúc nền đất phía trong đê, tạo nên “giá đỡ”
cho các cây rừng ngập mặn cố định và phát triển.
Còn khu vực đối chứng là bãi bồi có điều kiện tự nhiên, môi trường tương
đồng và liền kề với khu vực xây dựng mô hình khoanh tạo, nhưng lại có
sự khác biệt rất lớn về mật độ, khả năng tái sinh và tốc độ sinh trưởng.
Mật độ ở đây chỉ đạt 820 cây/ha so với khu khoanh tạo 13.260 cây/ha
trong bờ đê, 41.455 cây/ha ở trên bờ đê. Chiều cao của cây khu đối chứng
cũng thấp hơn hẳn so với khu khoanh tạo.
Điều đó cho thấy mô hình khoanh tạo rừng ngập mặn bãi bồi Vườn quốc gia
Mũi Cà Mau đã mang lại kết quả khả quan, giúp cho số lượng, mật độ, tốc
độ sinh trưởng, phát triển của cây tái sinh rừng ngập mặn. Đồng thời làm
gia tăng tốc độ bồi lắng và khả năng hình thành rừng rất cao.
Sự thành công của mô hình đã mở rộng diện tích rừng ngập mặn, tạo môi
trường sinh cảnh cho các loài động, thực vật, tạo nơi trú ngụ cho các
loài chim nước di cư...làm tăng số lượng các loài động, thực vật.
Bên cạnh đó, sự hình thành nên những cánh rừng từ mô hình khoanh tạo
giúp tăng khả năng phòng hộ, chống xói lở, tạo môi trường cảnh quan,
điều hòa khí hậu, làm sạch nguồn nước. Có thể hạn chế các chất độc hại
do giao thông đường thủy, nước thải sản xuất thủy sản, nước thải sinh
hoạt gây nên.
Sự thành công của mô hình này cũng được kỳ vọng như là một giải pháp
giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến Vườn quốc gia Mũi Cà
Mau - nơi nhạy cảm và chịu nhiều tổn thương của nhiệt độ tăng và nước
biển dâng hiện nay./.
(TTXVN)