Sáng 18/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trang trọng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh kết hợp trực tuyến đến 12 điểm cầu cấp huyện, với 632 đại biểu tham dự.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí: Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, hội có liên quan và các tập thể, cá nhân được khen thưởng làm việc trên địa bàn thành phố Long Xuyên.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh An Giang.
MỘT SỐ KẾT QUẢ QUAN TRỌNG
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết số 33-NQ/TW bằng Chương trình hành động số 33-CTr/TU và 15 văn bản có liên quan, chỉ đạo các cấp ủy tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết gắn với các chủ trương, đường lối của Đảng và các bài nói, bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, Quyết định số 2850/QĐ-BVHTTDL và Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Tỉnh ủy và hơn 70 văn bản có liên quan, với những giải pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương, đơn vị. Qua đó, kịp thời định hướng tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam; đồng thời, gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với phát triển kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đặc biệt là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa con người theo tinh thần Nghị quyết đề ra.
Quang cảnh hội nghị.
Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức học tập chuyên đề: “Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng văn hóa trong các tổ chức, cơ quan từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa con người An Giang được quan tâm phát huy, nhất là những giá trị, các tính cách đặc trưng của con người An Giang như: khiêm tốn, giản dị, thủy chung, hào sảng, trọng nghĩa, bao dung…
Các hoạt động văn hóa thể thao, hoạt động cộng đồng tại các xã nông thôn mới có tác dụng tích cực trong việc hình thành lối sống văn minh, tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa đạo đức con người ở vùng nông thôn, biên giới. Trong đó, mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại 05 huyện, thị xã, thành phố biên giới và các mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc giúp hạn chế sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa không lành mạnh… góp phần củng cố hệ thống chính trị, thiết chế văn hóa địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.
Đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu định hướng, điều hành thảo luận.
Các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân... Đến tháng 3/2024, toàn tỉnh An Giang có 90 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh).
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Tỉnh triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số như: Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; kế hoạch thực hiện đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2017-2020; Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phục dựng Nghi lễ ăn mừng nhà mới của đồng bào Chăm
Các loại hình nghệ thuật dân tộc có nguy cơ mai một được quan tâm tổ chức truyền dạy, phục dựng Đờn ca tài tử (dân tộc Kinh); Nhạc Ngũ Âm, Đàn Chà Pây, Khắc kinh lá buông (dân tộc Khmer); truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống. Các nghi thức, lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể được định kỳ tổ chức phục dựng như: phục dựng Lễ Ook Om Bok (Lễ Cúng trăng) của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ; trình diễn Nghề gốm của đồng bào Khmer; tái hiện di sản Nghệ thuật trình diễn Dì Kê đồng bào Khmer; phục dựng Nghi lễ ăn mừng nhà mới của đồng bào Chăm... Việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả tích cực. Toàn tỉnh có 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là người dân tộc thiểu số phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017 – 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo Khoa học quốc tế chủ đề “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á” để nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Lễ Bế giảng lớp truyền dạy Đờn ca tài tử cho đối tượng các em học sinh năm 2024 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức
Tại Hội nghị, đại biểu nghe các tham luận: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang; xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện để góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Châu Phú; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thoại Sơn; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang; nhìn từ phạm vi địa phương và hội nhập văn hóa ở Trường Đại học An Giang; xây dựng “văn hóa công vụ” của cán bộ, công chức và “văn hóa ứng xử” của người dân tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc; xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh An Giang.
GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, văn nghệ và đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa và nghệ thuật của tỉnh nhà trong suốt thời gian qua.
Để phát huy thành tích, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi các quan điểm, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 33-CTr/TU. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu văn hóa với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển văn hóa cần được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đề cao liêm chính để ngăn chặn suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa và hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc giữ gìn và sáng tạo nghệ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy nguồn lực phát triển văn hóa. Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách về văn hóa, phù hợp thực tiễn. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm độc hại, trái với thuần phong mỹ tục. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa.
Quan tâm thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân, diễn viên, văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đối với lực lượng trẻ, có năng khiếu, đam mê lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và an ninh phi truyền thống.
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường tuyên truyền tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới; tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội hóa nguồn lực cho các hoạt động văn hóa.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tin tưởng, với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trao Bằng khen cho các cá nhân
Tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 33-CTr/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
TRƯỜNG GIANG