Ngày 19/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung
ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề
“Tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam -
Lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương
Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong
suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn xác định
đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng
hàng đầu. Trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế,
chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp
sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng
bước hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù
hợp với từng giai đoạn phát triển, coi đây là công việc thường xuyên,
liên tục.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định qua hơn 30 năm
đổi mới và phát triển, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa từng bước được hình thành, phát triển ngày càng rõ nét. Nhờ đó,
đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao thế và lực, sức
mạnh tổng hợp của nền kinh tế, trở thành mô hình phát triển kinh tế, xã
hội được quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
Với mục tiêu xây dựng Bộ tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ
XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương
khóa XII về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị các đại
biểu cần trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến, kiến nghị có giá
trị, cung cấp những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc
tế, giúp Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan tham mưu của Đảng xây
dựng Bộ tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp
ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng việc xây dựng bộ tiêu chí
về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hết
sức quan trọng, cấp thiết trong quá trình nhận thức về kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Việc xây dựng bộ tiêu chí
này cũng góp phần tăng cường sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong
Đảng và xã hội về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà
đất nước ta xây dựng; tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả quản lý,
điều hành của các cấp, các ngành phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa; phục vụ tuyên truyền đối ngoại, vận động, đấu
tranh với các nước trong việc công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh
tế thị trường.
Các đại biểu khẳng định, tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa phải thể hiện được đó là nền kinh tế thị trường hiện đại,
hội nhập quốc tế, vừa tuân thủ đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế
thị trường, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế...
Nhiều tham luận, ý kiến thảo luận đã phân tích các tiêu chí nền kinh tế
thị trường ở một số nước và tổ chức quốc tế trên thế giới để tham khảo
khi xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
của Việt Nam. Đây là hướng đi đúng, cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo,
tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với điều kiện cụ thể, đặc thù của Việt
Nam.
Bên cạnh đó, một số tham luận, ý kiến thảo luận đã bước đầu đề xuất hệ
tiêu chí cụ thể trên từng lĩnh vực của nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như tiêu chí về sở hữu, về các thành phần
kinh tế; Tiêu chí về tổ chức quản lý, điều tiết nền kinh tế (vai trò của
Thị trường và của Nhà nước); Tiêu chí về cơ chế huy động, phân phối
nguồn lực (đầu vào) và phân phối kết quả hoạt động kinh tế; Tiêu chí về
các yếu tố thị trường, các loại thị trường; Tiêu chí về các yếu tố đảm
bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường; Tiêu chí về
hội nhập kinh tế quốc tế... Trong đó, có một số tiêu chí cụ thể về mức
độ can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế; tự do hóa thương mại và gia
nhập thị trường; về đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống
độc quyền, chống bóp méo giá cả, chống bán phá giá; mức độ tự do kinh
tế, môi trường kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp./.
(TTXVN)