Lịch sử đã chứng minh hậu quả nguy hiểm từ chính sách can thiệp quân sự của các nước phương Tây, từ cuộc chiến tại Iraq năm 2003 hay không kích Libya năm 2011, đều không thể đảm bảo hay mang lại hòa bình cho những nơi này ngoài sự tàn phá và thù hận. Xu thế đối thoại, đàm phán và giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao là điều tất yếu và cần được các bên, nhất là các bên khơi mào cho hành động quân sự, tận dụng khi căng thẳng vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát.
Sử dụng vũ lực, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh, chưa bao giờ là giải pháp cho các cuộc xung đột. Thay vào đó, mọi bất đồng nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền các quốc gia. Những động thái của Pháp - “một bên khai hỏa" vào Syria đang cho thấy cuộc không kích hôm 14/4 chỉ mang tính gây rối và răn đe nhiều hơn, để qua đó tác động tới cục diện tiến trình đàm phán hòa bình mà lâu nay Mỹ và các đồng minh phương Tây đóng vai trò mờ nhạt trước chiến lược can dự tích cực và rõ ràng của Nga hay Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chỉ một ngày sau khi cùng Mỹ và Anh không kích nhằm vào các cơ sở khoa học ở Syria với cái cớ đáp trả một “cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học” ở thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta của Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, trong đó có Nga và Iran, để mở đường cho việc chuyển giao chính trị tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá Syria.
Sau khi đánh dấu 1 năm cầm quyền với lệnh tham gia không khích một quốc gia có chủ quyền như Syria, Tổng thống Macron đã tái khẳng định cần phải đối thoại để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài ở Syria. Ông nhấn mạnh chính sách của Pháp là đối thoại với tất cả các bên, coi đây là điều kiện để đi tới hòa bình. Theo ông, ưu tiên số một của phương Tây (sau vụ không khích Syria) là chuẩn bị cho một "giải pháp chính trị dài hạn, hướng tới chuyển giao trong khuôn khổ hiến pháp".
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Macron đã có những tuyên bố được xem "mềm" hơn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm (không đặt điều kiện tiên quyết là Tổng thống al-Assad phải ra đi), đồng thời bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Tổng thống al-Assad để chấm dứt hơn 7 năm xung đột đẫm máu ở Syria. Ông Macron cũng khẳng định vẫn giữ nguyên kế hoạch công du tới Moskva trong tháng 5 tới bất chấp có những khác biệt với Moskva về vấn đề Syria. Cùng với đó, Pháp cũng hối thúc Nga tham gia thúc đẩy một giải pháp chính trị ở Syria. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mong muốn Moskva tích cực thúc đẩy một tiến trình chính trị ở Syria để tìm lối thoát cho khủng hoảng.
Trong bối cảnh quan hệ giữa các cường quốc như đang được đặt trên một thùng thuốc súng liên quan tình hình Syria, có thể nhận thấy xu thế đối thoại là không thể né tránh trong nỗ lực tháo gỡ những căng thẳng giữa các nước.
Dù lên án mạnh mẽ vụ không kích, Nga - quốc gia cho tới nay luôn đóng vai trò xây dựng và kiến tạo hòa bình ở Syria - vẫn bày tỏ sẵn sàng cải thiện quan hệ với phương Tây. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong phát biểu ngày 15/4 khẳng định Moskva sẽ thực hiện mọi nỗ lực để cải thiện quan hệ chính trị với các nước phương Tây. Theo ông Ryabkov, Nga sẽ nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc về Syria do Mỹ, Pháp và Anh đề xuất, vốn kêu gọi các bên trở lại vòng đàm phán Geneva do Liên hợp quốc bảo trợ, đồng thời mở cuộc điều tra độc lập về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
[Giới chuyên gia cảnh báo về Chiến tranh Lạnh giữa nhiều cường quốc]
Vai trò của Nga trong “hồ sơ” Syria cũng được nhiều nước phương Tây thừa nhận. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo về sự cách biệt ngày càng lớn trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, đồng thời nhấn mạnh cần phải tiến hành đối thoại sau khi căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh. Theo ông, tình hình Syria sẽ không thể cải thiện cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cùng phối hợp một cách xây dựng để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Ngay cả Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng cho rằng “đối thoại với Nga không dễ dàng, nhưng là cần thiết”. Theo ông Stoltenberg, đối thoại với Nga tuy phức tạp, nhưng đó chính là lý do cần phải tiến hành, một mặt nhằm cải thiện quan hệ, mặt khác là giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hiện nay giữa hai bên.
Thực tế, sau các cuộc không kích Syria, các bên dường như đều đã dịu giọng hơn. Tuy nhiên, những gì mà Mỹ cùng hai đồng minh Anh, Pháp đã thực hiện nhằm vào Syria rõ ràng càng khiến căng thẳng ở quốc gia Trung Đông và mối quan hệ Nga/Mỹ bị đẩy lên cao với mức độ phức tạp hơn. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ (thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc) Đằng Kiến Quần cho rằng việc liên quân 3 nước tấn công Syria trong bối cảnh quân đội Syria đang tiếp tục giành lại những vùng lãnh thổ bị phiến quân kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho phe đối lập có cơ hội củng cố lực lượng và điều này sẽ khiến tình hình Syria càng trở nên phức tạp.
Trong khi chuyên gia phân tích Trương Hoằng - thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Á và Đông Âu (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nhận định quyết định không kích Syria là nhằm làm giảm ảnh hưởng của Nga tại Syria và hành động này sẽ càng khiến quan hệ Mỹ/Nga xấu thêm, thậm chí có nguy cơ bị cuốn vào cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, dù ít có khả năng đối đầu trực tiếp về quân sự. Phần đông các nhà quan sát cho rằng cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ, lý do thực sự khiến Mỹ và phương Tây “ra tay” là do "không chịu nổi" cảnh phe nổi dậy liên tiếp thất bại, trong khi quân đội Chính phủ Syria ngày càng giành được thế chủ động trên chiến trường. Ngoài ra, việc tấn công Syria còn xuất phát từ những áp lực chính trị bên trong nước Mỹ, nó giúp gia tăng tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump nhưng cũng sẽ đẩy mâu thuẫn nội bộ lên cao.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà phân tích nhận định khả năng leo thang hay hạ nhiệt căng thẳng ở Syria phụ thuộc vào phản ứng của Nga và trong trường hợp Moskva có phản ứng dữ dội, nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc sẽ vượt khỏi phạm vi lãnh thổ Syria. Cho đến nay, phản ứng của phía Nga được đánh giá là khá kiềm chế, và sự thận trọng này là cần thiết một khi Nga muốn giữ gìn những thành quả đã đạt được ở Syria cũng như duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực như đã tạo dựng được thời gian gần đây.
'Với hơn 2 giờ tung hỏa lực vừa qua, Mỹ, Anh và Pháp đã khiến một số đối tượng "thất vọng" khi cuộc không kích Syria chỉ mang tính biểu tượng, với thiệt hại rất nhỏ, song đó đã là tất cả những gì mà Mỹ và phương Tây có thể làm khi còn muốn nằm trong "giới hạn đỏ" với Nga./.
TTX