Thứ Hai, 29/4/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 24/11/2022 14:0'(GMT+7)

Tìm giải pháp cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. (Ảnh: TA)

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. (Ảnh: TA)

Hiện nay, các cấp, các ngành, chính quyền và người dân địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng, vật nuôi... khi thời điểm mùa khô năm 2022 - 2023 đã cận kề.

Thực tế cho thấy, mùa khô những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. Đơn cử thời điểm giữa mùa khô 2021 - 2022, nước mặn từ biển theo các kênh rạch xâm nhập sâu vào nội đồng các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng với nồng độ mặn rất cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

BOX: Vào khoảng cuối tháng 2/2022, nồng độ mặn đo được tại các trạm trên một số tuyến sông, kênh rạch ở huyện Trần Đề, huyện Long Phú, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) dao động từ 2,5 đến trên 18,4‰. Không chỉ thế, nước mặn từ biển ngày càng tiến sâu vào đất liền và ngâm lâu ở các kênh, rạch, gây nhiều khó khăn cho người dân lấy nước phục vụ sản suất, sinh hoạt

Tại TP. Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, một số khu vực thuộc địa bàn thành phố xuất hiện rõ nét tình trạng mặn xâm nhập từ biển vào qua tuyến sông Hậu. Ông Nguyễn Quý Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết: Tuy nồng độ mặn thấp, thời gian mặn xâm nhập ngắn, nhưng cũng đã gây khó khăn cho người dân lấy nước tưới cho cây trồng.

Cụ thể, từ năm 2015 trở về trước, các loại hình thiên tai chủ yếu xảy ra trên địa bàn thành phố là giông lốc, sạt lở, ngập lụt; xâm nhập mặn hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, từ mùa khô từ năm 2015 đến nay, nước mặn đã nhiều lần xâm nhập qua sông Hậu vào địa bàn quận Cái Răng, có thời điểm, nồng độ mặn đo được 3,4‰.

Công trình ngăn mặn là giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặt ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Công trình ngăn mặn là giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặt ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Mặc dù nước mặn từ biển Đông, biển Tây ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng, nồng độ mặn đo được tại một số tuyến sông, kênh rạch ở Hậu Giang, Sóc Trăng,… có thời điểm lên đến hơn 18‰. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, do có sự chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó của cơ quan, đơn vị chức năng và người dân nên xâm nhập mặn không ảnh hưởng nhiều đến diện tích, năng suất cây trồng cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Theo dự báo từ Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và tại Tân Châu (Châu Đốc, An Giang) trong tháng 2 và tháng 3-2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50-65km. Từ tháng 4-2022, mặn xâm nhập có xu thế giảm dần. Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Để đề phòng những rủi ro do hạn, mặn gây ra, cùng với các giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý... 

DỰ BÁO SỚM, THÔNG TIN KỊP THỜI ĐỂ NGƯỜI DÂN LINH HOẠT TRONG SẢN XUẤT, CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI

Để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm để linh hoạt sản xuất; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng còn quy hoạch hơn 250.000ha để xây dựng các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản theo sinh thái nguồn nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đối với vùng ven biển thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn thuộc các địa phương như Vĩnh Châu, Trần Đề và một phần huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Các vùng thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị,… tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển diện tích lúa và cây ăn trái.

Còn tại TP. Cần Thơ, mặc dù tình trạng xâm nhập không khốc liệt như các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, nhưng không vì thế mà các ngành chức năng của thành phố lơ là, chủ quan. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, nước mặn xâm nhập vào địa bàn thành phố chỉ xuất hiện trong vài giờ. Xuất phát từ đặc điểm đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên quan trắc diễn biến tình hình xâm nhập mặn và nồng độ mặn để kịp thời thông báo cho người dân ngưng lấy nước.

LINH HOẠT ỨNG PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG XÂM NHẬP MẶN

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Cần Thơ, để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương giáp biển, các địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt sang sử dụng nước lợ, nước mặn vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Xâm nhập mặn gia tăng cũng đã thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền thay đổi chính sách quản lý về tài nguyên, cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Cùng với những chính sách quản lý, khai thác tài nguyên nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân ĐBSCL đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Vào mùa khô thay vì tìm nguồn nước ngọt để trồng lúa thì nay người dân chuyển qua nuôi tôm để thích ứng với nguồn nước mặn, ngọt.

Không chỉ thế, tại vùng ven biển, nhiều diện tích đất lúa thường xuyên ngập mặn, người dân đã linh động chuyển qua trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua dưới tán rừng. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn trước đây, người dân vùng ĐBSCL hiện đang chủ động nạo vét ao, mương, rạch để tích trữ nguồn nước cuối mùa mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho những tháng mùa khô sắp tới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Đỗ Hữu Phương cho biết, trên địa bàn Long An hiện có 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với trữ lượng nước ngọt lớn. Tuy nhiên, những năm qua, vào mùa khô, Long An vẫn phải chịu cảnh thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đặc biệt tại các huyện vùng hạ lưu, nước nhiễm mặn hầu khắp, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt...

Trước tình hình trên, công tác phòng chống hạn mặn ở địa phương đã và đang tăng tốc, cách làm cũng bài bản hơn. Đến nay, tại các vùng nông thôn, nhà nào cũng có lu hồ, bể chứa, thậm chí đào ao tích trữ nước ngọt. Tỉnh Long An thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và nội đồng.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn những năm trước, trước khi mùa khô đến, ngành chức năng tỉnh Long An phối hợp các địa phương rà soát các vùng có khả năng mặn xâm nhập và có kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nước tưới tiêu và trữ nước ngọt bảo đảm phục vụ tốt cây lúa, cây ăn trái và thủy sản. Đồng thời, rà soát và quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhằm hướng đến phát triển bền vững nền nông nghiệp... thời gian tới./.

Mạnh Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất