Hình thức cho vay bất hợp pháp này không chỉ đang xảy ra ở
các vùng đô thị, đồng bằng đông đúc dân cư mà nó đã len lỏi
đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Bóng đen của nó đang lan dần ra
trên dải đất cong cong hình chữ S và không ai dự đoán hết được
hậu quả do nó gây ra. Từ tín dụng đen, nhiều bi kịch gia đình,
xã hội đã, đang xảy ra làm đảo lộn hoặc phá vỡ cuộc sống
yên bình của người dân. Vay tiền với lãi suất cắt cổ, đến khi
làm ăn không hiệu quả chẳng còn khả năng trả được nợ nên đi
vào ngõ cụt tăm tối. Không trả được nợ, nhà cửa, xe cộ và
các phương tiện, đồ dùng khác bị kẻ cho vay tịch thu. Có con
nợ trở thành trắng tay, có người bất lực, bế tắc tìm đến
cái chết như một cách giải thoát. Gần đây, thật xót xa khi có
sinh viên quê ở vùng núi chỉ vì vay hai triệu đồng nhưng đến
hẹn không có khả năng trả nợ phải tự tử. Nghĩ mà đau và cũng
giận cho một thân phận khốn khó không thấy hết giá trị của
cuộc sống con người, quẫn trí làm điều chẳng đáng làm. Qua
đó, ta thấy được sự nghiệt ngã, hà khắc, tệ bạc, đầy bất
ổn, bất an trong thế giới tín dụng đen. Một thế giới tranh tối
tranh sáng mà sức mạnh, quyền uy luôn luôn thuộc về kẻ cho vay.
Đứng đằng sau những thế lực cho vay nặng lãi không thể không
có những tay đao búa, số má được sử dụng vào việc đi đòi nợ.
Các con nợ không dễ dây dưa hay ù lì vì họ biết, biết rất rõ
rằng, mình chẳng dễ thoát được sự trừng phạt nặng nề và
lạnh lùng của kẻ cho vay nặng lãi. Tín dụng đen hiển hiện như
một mảng tối đầy nguy hại trong xã hội mà nạn nhân trực tiếp
của nó là những người cần tiền để làm ăn, mua sắm, chữa
bệnh...
Phát hiện, xử lý nghiêm khắc với tệ nạn tín dụng đen là
việc chính quyền các cấp đã và đang làm. Những biện pháp trấn áp,
trừng phạt kẻ cho vay nặng lãi và những ai theo lệnh chủ xúc
phạm, hành hung người vay phải bị pháp luật xử lý thật công minh,
nghiêm khắc.
Tuy nhiên, nhìn ở phía khác, chúng ta không thể không đặt ra câu
hỏi: “Vì sao một bộ phận nhân dân phải đi vay nặng lãi?”. Không
có tiền, thiếu tiền người ta mới đi vay. Thiết nghĩ, đó là nhu
cầu chính đáng của người dân. Ai sẽ đáp ứng nhu cầu này nếu
không phải là ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp. Khi
ngân hàng và các tổ chức tín dụng không đáp ứng được nhu cầu
của người dân muốn vay thì đương nhiên họ phải tìm đến nguồn
cung khác. Có cầu tất yếu sẽ có cung; cầu càng cao thì cung
càng lớn, tín dụng đen ra đời cũng dựa trên quy luật đó. Khi
ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp còn chưa tạo ra
được sự thuận lợi về thủ tục và nhanh chóng về thời gian cho
người dân vay tiền thì chắc chắn tệ nạn tín dụng đen vẫn tồn
tại. Lên mạng internet, ta gặp không ít những lời mời chào, dẫn
dụ ngọt ngào, lại có phần dễ dãi về việc cho vay và đó chính
là sự hấp dẫn khó cưỡng lại đối với người đang cần vốn
liếng làm ăn hay thiếu tiền lo công chuyện này khác. Có lẽ ngân
hàng hay các tổ chức tín dụng hợp pháp nên có nhiều gói sản
phẩm đa dạng, phong phú cho nhiều đối tượng khách hàng của
mình. Tôi nghĩ, tính ưu việt của chế độ ta được thể hiện đầy
đủ ở đây. Một ngân hàng chính sách có lẽ chưa đủ thỏa mãn nhu
cầu vay tiền của người nghèo và các đối tượng cần quan tâm
đang ngày một lớn và ráo riết hơn, mà các ngân hàng đều nên
có những cách làm thiết thực vì dân, cho dân. Kinh doanh nào
cũng cần hướng tới sự mạnh giàu và bình yên của xã hội, tôi
nghĩ thế. Chẳng phải tự nhiên mà từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi
đã nhấn mạnh trong Bình Ngô đại cáo “Việc nhân nghĩa cốt ở yên
dân”. Làm cho dân yên ổn là nhân nghĩa. Dân yên, nước sẽ mạnh
nhờ sự đồng lòng quyết chí tăng lên. Dân chưa yên thì mọi cố
gắng để làm cho đất nước mạnh giàu lên chỉ là mơ tưởng. Và
còn điều này nữa, khi lòng dân được kết nối vững bền thì thế
lực thù địch nào định nhòm ngó giang sơn Việt cũng phải dè
chừng.
Thế đấy, đừng nghĩ chuyện tín dụng đen chẳng ảnh hưởng tới
an ninh đất nước. Xã hội có muôn vàn mối quan hệ xoắn bện vào
nhau, cái tích cực hay tiêu cực đều tác động đến sự sáng
tối, tốt xấu của cộng đồng đông đúc, rộng lớn. Và, chúng ta
cũng đừng bao giờ quên lời Bác Hồ đã từng dặn: Cái gì có
lợi cho dân phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân phải hết
sức tránh./.
Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)