Thứ Ba, 1/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 14/4/2011 22:9'(GMT+7)

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại

 

Gần 40 đại biểu quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 100 các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các trường đại học, các tổ chức chính trị- xã hội và các nhà quản lý văn hóa tham dự hội thảo. 130 tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ 6 vấn đề: Lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và trên thế giới; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam tập tục, nghi lễ, giá trị lịch sử, văn hóa; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sự hình thành, phát triển và giá trị lịch sử, văn hóa; sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong xã hội đương đại; bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Hùng Vương trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa…

Tại hội thảo này, các đại biểu thảo luận và xem xét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một giá trị văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một thành tố văn hoá mang tính nhân văn. Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang đến cho mỗi cộng đồng những bản sắc riêng.

Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một tập tục có từ lâu đời, tồn tại ở tất cả các thành phần dân tộc, biểu hiện cho truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, người Việt Nam thờ cúng Hùng Vương- những người khai mở nhà nước Văn Lang cổ đại một cách rất tự nhiên. Hàng trăm năm nay ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng, Hùng Vương đã được coi là thuỷ tổ của dân tộc, một thánh vương thiêng liêng và gần gũi với người dân và mỗi cộng động làng xã, là điểm tựa tinh thần tạo ra sự cố kết vững bền cho quốc gia dân tộc.

Nhiều ý kiến đã được đưa ra trao đổi, thảo luận, song các đại biểu đều thống nhất khẳng định, thờ cúng tổ tiên là vấn đề tín ngưỡng có tính phổ biến, tính lịch sử và là hiện tượng đặc thù của người Việt. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Hùng Vương với tư cách là một tín ngưỡng bản địa có mặt ở hầu hết các địa phương, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp con người Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng: Thờ cúng Hùng Vương không phải là một tôn giáo mà là tín ngưỡng, có gốc rễ sâu xa và sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá Việt, giáo dục chữ Hiếu, Lễ, Tâm để hoàn thiện nhân cách con người. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt mang nét đặc sắc riêng, khi cả dân tộc coi Hùng Vương là Quốc Tổ, cả nước có một ngày giỗ chung.

Được tổ chức ngay sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội thảo khoa học quốc tế Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại là bước hoàn thiện trong quá trình lập hồ sơ đề cử Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội thảo cũng có tác dụng quảng bá di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử thế giới. Ban tổ chức hội thảo cũng mong muốn sau khi tham dự các nghi lễ, các diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay tại Đền Hùng và các làng lân cận, các nhà khoa học quốc tế và trong nước sẽ có những nhìn nhận khoa học và đề xuất những giải pháp quí báu cho ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Phú Thọ có chương trình hành động bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể đạt hiệu quả cao hơn./.

Hồng Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất