Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Sáu, 5/11/2021 6:0'(GMT+7)

Tinh thần “Chính sách kinh tế mới” trong công cuộc đổi mới với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI

Cách đây 104 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi đầu tiên tại Petrograd, sau đó phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi trên quy mô cả nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại, mở ra một trang mới trong lịch sử nhân loại, mở ra một thời đại mới. Cho đến nay, dù tình hình chính trị thế giới có nhiều thay đổi, biến động, song giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống sinh động trong thế giới đương đại.

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công.

Cách mạng Tháng Mười đã làm cho chủ nghĩa tư bản sụp đổ ở một mảng lớn. Cuộc cách mạng đã giải phóng nhân dân lao động Nga ra khỏi chế độ Nga hoàng, mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Nga, đưa giai cấp công nhân Nga lên vũ đài chính trị; đánh dấu sự ra đời của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới và từ đây, nhân dân lao động Nga thật sự được làm chủ cuộc sống của mình. Cách mạng đã mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang tiến tới một cuộc đổi đời vĩ đại, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, xác lập chế độ xã hội hiện thực trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Đây là “bước nhảy” vĩ đại trong tiến trình cách mạng vô sản, tạo nên nấc thang phát triển mới của lịch sử nhân loại, và từ đây, chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ là vũ khí tư tưởng, lý luận, phương pháp luận mà đã trở thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thực tiễn của một chế độ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, lập nên chính quyền của người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người(1).

Với ý nghĩa đó, cho dù năm 1991, Liên Xô tan rã, chế độ XHCN thất bại ở các nước Đông Âu thì giá trị thời đại của cách mạng Tháng Mười vẫn là bất diệt. Do vậy, làm nổi bật giá trị thời đại, ý nghĩa lịch sử thế giới của sự kiện này vẫn là âm hưởng chủ đạo trong các nghiên cứu của nhiều học giả, trí thức Nga hiện nay: Cách mạng Tháng Mười đã đem lại đất đai, nhà máy, công xưởng, quyền tự quyết của nhân dân Nga…, đã trao cho hàng triệu người lao động cơ hội sáng tạo, cho ra đời một hình thức chính quyền mới, dân chủ hơn; đã đặt nền móng cho bước ngoặt thực tế trong lịch sử loài người sang chủ nghĩa xã hội; Đó thực sự là một cuộc cách mạng đã tạo ra trong đời sống một hình thái mới của hệ thống chính trị…(2).

Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra con đường cách mạng mới cho các dân tộc trên thế giới, đấu tranh vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đây là thắng lợi to lớn của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, khơi dậy khát vọng của giai cấp cần lao trên toàn thế giới hướng về mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Giá trị lịch sử này đã được V.I.Lênin khẳng định: không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười Nga và những chiến thắng khác của cách mạng XHCN quốc tế”(3).

Dưới ảnh hưởng và tác động của Cách mạng Tháng Mười ở những cấp độ khác nhau, phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ từ châu Á, Phi đến Mỹ La-tinh, đập tan hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ và mới áp bức bóc lột. Và trên nền tảng đó, nhiều nước đã giành được độc lập và lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để xây dựng và phát triển đất nước nhằm thực hiện khát vọng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Giá trị này đã khẳng định tầm vóc và sức mạnh lan toả của Cách mạng Tháng Mười với thời đại, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(4).

Bên cạnh đó, thắng lợi và thành tựu của Cách mạng Tháng Mười còn ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến các nước “phương Tây”, bởi nhiều thành tựu ở các quốc gia đó sẽ không thể có được nếu không có Liên bang Xô-viết, nếu không có áp lực cạnh tranh của hai hệ thống.

Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười không chỉ kiểm chứng, khẳng định sự đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học mà đây cũng chính là hiện thực phong phú, thực tiễn mới mẻ, sinh động để những người cộng sản tiếp tục tổng kết, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học trong bối cảnh mới, nhất là đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước tư bản trung bình, chưa hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, nông dân sản xuất nhỏ còn chiếm tuyệt đại bộ phận dân cư. Một trong những sáng tạo có ý nghĩa lý luận sâu sắc từ thực tiễn cách mạng Nga và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đó chính là Chính sách kinh tế mới ghi đậm dấu ấn của V.I.Lênin - lãnh tụ của Đảng Bôn­sê­vích và linh hồn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Ý NGHĨA CỦA CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CNXH

Cách đây tròn 100 năm, đầu năm 1921, V.I.Lênin đã vạch ra Chính sách kinh tế mới (đ­ược trình bày đầu tiên trong tác phẩm “Bàn về thuế lư­ơng thực”) thay cho chính sách “cộng sản thời chiến” trong bối cảnh n­ước Nga Xô-viết ra khỏi nội chiến, chuyển sang xây dựng chế độ xã hội mới trong điều kiện hoà bình song với những khó khăn to lớn trên mọi phương diện; kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…

NEP có những nội dung cơ bản như: Thuế lương thực; khôi phục và phát triển quan hệ trao đổi sản phẩm giữa nông nghiệp và công nghiệp; sử dụng các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước; sử dụng các quan hệ hàng hoá – tiền tệ, thực hiện khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với người lao động, khai thác mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; xây dựng nền đại công nghiệp hùng mạnh, coi đó như một trong những điều kiện nền tảng cho sự phát triển vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự tồn tại của một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần…

Những nội dung đó thể hiện tư tưởng của V.I.Lênin về sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, thể hiện hình thức và phương pháp mới đúng đắn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với nội dung toàn diện, đặt trong bối cảnh nước Nga Xô-viết thời điểm năm 1921, NEP thực sự là quyết sách chiến lược cơ bản mang tính cách mạng và sáng tạo, song về sách lược lại là chính sách mềm dẻo và năng động. Sau hơn 3 năm thực hiện NEP, nước Nga Xô viết đã thoát khỏi khủng hoảng, thành quả của cuộc cách mạng được giữ vững, công cuộc xây dựng đất nước theo những yêu cầu của các quy luật khách quan mà NEP đã thể nghiệm thành công được tiếp tục triển khai, với tính cách là chiến lược phát triển. Do đó, có thể thấy, NEP không chỉ là chính sách kinh tế mà còn là đường lối chính trị đúng đắn và dũng cảm để Nhà nước Nga Xô-viết tháo gỡ khó khăn, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn của NEP đã được thực tiễn xác nhận. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện NEP, kinh tế - xã hội nước Nga Xô-viết được cải thiện nhanh chóng. Ngay trong năm 1921, vụ thuế lương thực đầu tiên đạt 90% (mặc dù bị hạn hán và nạn đói nghiêm trọng); từ năm 1922 đến năm 1925, sản lượng lương thực tăng từ 56,3 triệu tấn lên 74,7 triệu tấn, nông nghiệp được phục hồi và phát triển, kéo theo sự khôi phục của công nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải, đời sống nhân dân lao động được cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội dần dần được ổn định…(5).

Sau này, phương thức kết hợp kế hoạch hoá với thị trường của NEP đã bị Stalin và Đảng Bôn­sê­vích từng bước biến thành một kiểu kế hoạch hoá cứng nhắc, thuần tuý theo mệnh lệnh còn thị trường thì gần như bị xoá sổ; việc e ngại, kỳ thị kinh tế thị trường đã khiến cho nền sản xuất và dịch vụ của mô hình Xô-viết xơ cứng, động lực lợi ích chính đáng của người lao động bị thủ tiêu… Điều này không chỉ gây ra những hệ lụy phức tạp, lâu dài nguy hiểm đối với Liên Xô mà còn đối với toàn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm, khi lâm vào khó khăn, trì trệ, khủng hoảng, những người cộng sản chân chính ở các nước lại trở về tìm lối thoát từ những gợi ý, chỉ dẫn trong di sản của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó Chính sách kinh tế mới của Lênin. Bởi Chính sách kinh tế mới không chỉ là con đường xây dựng dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga mà tầm vóc lịch sử của nó đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và mang tính phổ biến trên thế giới. Đây là sự tổng hợp các giải pháp kinh tế - xã hội - chính trị mang tính quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước tiểu nông. Sự thành công của NEP ở nước Nga Xô-viết trong những năm đầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa, đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, có thể áp dụng cho những nước có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội tương tự.

Như vậy, Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin đã thể hiện sự kiên định, lan tỏa khát vọng đổi mới, sáng tạo nhằm xây dựng một chế độ xã hội cường thịnh, dân chủ, bình đẳng, mang lại hạnh phúc cho con người như là giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại.

VẬN DỤNG GIÁ TRỊ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI VÀ TINH THẦN CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI Ở VIỆT NAM

Bằng những trải nghiệm thực tiễn và quá trình nghiên cứu tư tưởng trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thấy rằng: Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(6). Và dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, với sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết thống nhất ý chí, hành động đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước hiện thực hoá khát vọng độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Đặc biệt, nhờ sự kiên định và tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng, phát triển sáng tạo tinh thần Chính sách kinh tế mới của Lênin mà trong 35 năm qua, Đảng ta đã khởi xướng, tổ chức, lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới, mang lại “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7). Những thành tựu đó có được là do trong đổi mới, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội; trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, kết hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng…

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta. Toàn Đảng, toàn dân tộc tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh lịch sử mới với những thuận lợi và khó khăn đan xen cả ở trong nước và quốc tế. Trên thế giới, xu hướng hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ; thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19; những vấn đề toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp… Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo những tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn; nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều thách thức, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu…

Trước bối cảnh phức tạp đó, đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần khoa học, cách mạng, sáng tạo của NEP. Theo đó, từ giá trị lớn lao của Cách mạng Tháng Mười và tinh thần đổi mới, sáng tạo của Chính sách kinh tế mới, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến yêu cầu: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người… Từ đó, tạo nền tảng để đến giữa thế kỷ XXI xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

*

Thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã mang ánh sáng của “Mặt trời Nga” chiếu sáng để thực hiện khát vọng độc lập cho Tổ quốc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân - Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không ngừng đổi mới, sáng tạo về tư duy, phương pháp, phong cách để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát triển trong Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin và cũng là giá trị vĩnh cửu của Cách mạng Tháng Mười Nga.

TS. Nguyễn Anh Tuấn
TS. Nguyễn Thị Hoa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr.387.

(2) Nguyễn An Ninh: Những tranh luận mới về Cách mạng Tháng Mười Nga và CNXH hiện thực ở Liên Xô, T/c Lịch sử Đảng, số 4/2018.

(3) V.I.Lê-nin:  Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2005, t.36, tr. 615.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr. 387.

(5) Chính sách kinh tế mới của Lênin và vận dụng vào điều kiện nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1989, tr. 16.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.2, tr. 289.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr.25

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất