Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 26/9/2008 21:53'(GMT+7)

Tổ chức hợp lý bộ máy chính quyền địa phương

  Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nêu một số nội dung chính của Đề án, nhấn mạnh đến yêu cầu, sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, phát huy chế định dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí với chủ trương đã nêu trong đề án. Theo các đại biểu, hiện nay các đơn vị hành chính tỉnh, huyện và xã đều được điều chỉnh với quy mô nhỏ hơn, phù hợp với đội ngũ cán bộ, công chức, cơ chế quản lý kinh tế-xã hội được đổi mới theo hướng phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương. Những vấn đề quan trọng chi phối sự phát triển của tỉnh do HĐND tỉnh quyết định, những vấn đề cụ thể ở cơ sở, gắn liền với người dân, cộng đồng dân cư do HĐND xã quyết định. Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không chỉ tinh gọn được bộ máy chính quyền địa phương mà còn góp phần làm rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong hệ thống cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính Nhà nước.

Về nội dung “nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã”, các đại biểu cũng cho rằng, đây là việc làm cần thiết và phù hợp với xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho nhân dân. Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã sẽ phát huy hơn vai trò dân chủ trực tiếp, đề cao uy tín và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, dù có sự thay đổi như thế nào về tổ chức thì trước hết phải đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu Cư Hoà Vần và nhiều đại biểu cũng băn khoăn cho rằng, nên cân nhắc nội dung về nhân dân bầu Chủ tịch UBND xã mà không bầu Chủ tịch UBND phường. “Hai cấp này không có gì khác nhau, vậy có dân chủ không khi phân biệt nhân dân ở thành thị và nông thôn trong việc chỉ bầu Chủ tịch UBND xã mà không bầu Chủ tịch UBND phường?”.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, hiện nay hầu như trình độ của Chủ tịch UBND xã còn hạn chế, hầu như ít người có trình độ đại học, vì thế cần có chế độ đại ngộ để thu hút những người sau khi tốt nghiệp đại học quay trở về địa phương làm việc.

Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý vào các nội dung cụ thể trong đề án./.

(
VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất