Thứ Tư, 6/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 12/5/2017 17:21'(GMT+7)

50% thuốc Việt đáp ứng nhu cầu người dân trong nước

Quang cảnh Hội nghị sáng ngày 12/5 tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị sáng ngày 12/5 tại Hà Nội.

Sáng ngày 12/05/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Đề án từ (2012 - 2016) cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam để góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới là mục tiêu cơ bản của Đề án là “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

Qua đó, Bộ Y tế trong những năm qua đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách trong đó có đưa nội dung, quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu, Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 v.v...

Theo đó, Tại các địa phương, nhiều Sở Y tế cũng đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án trên địa bàn; đề ra kế hoạch, giải pháp để tăng cường, thúc đẩy thuốc sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện cũng đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước với định hướng tập trung ưu tiên cho nhóm thuốc theo tên generic, đặc biệt là nhóm thuốc sản xuất trong nước đạt các tiêu chuẩn theo qui định mà giá cả hợp lý, phù hợp với mô hình bệnh tật tại địa phương, khả năng chi trả của Bảo hiểm Y tế và người bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết đồng chí Trương Quốc Cường-Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Với nhiều giải pháp được triển khai và tiến hành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bước đầu Đề án đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây. Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỉ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%; có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.

 
 Thuốc sản xuất trong nước ngày càng được người dân và cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tin dùng (Ảnh minh họa)

Với các cơ chế chính sách được đưa ra, ngành dược đã có những bước phát triển đáng kể. Sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.

Các nhà máy dược phẩm đã cố gắng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không thua kém thuốc ngoại nhập, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, một số nhà máy đi đầu đầu tư đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản, PICS,...

Về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hoạt động trong đó có xây dựng, triển khai Chương trình truyền thông “con đường thuốc Việt'' với mục đích lựa chọn, tôn vinh, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất thuốc và các sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam trên 5 kênh truyền thông chính: truyền hình, phát thanh, báo giấy, internet và truyền thông trực tiếp thông qua các triển lãm, sự kiện, tọa đàm... Với phương pháp truyền thông tổng lực này, Chương trình đã truyền tải tới cộng đồng thông điệp: Việt Nam có đủ năng lực và công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm thuốc đảm bảo chất lương, hiệu quả, an toàn trong phòng và điều trị bệnh, với giá thành ở mức chấp nhận được so với thu nhập của người dân từ đó giúp thầy thuốc, người dân có định hướng tốt hơn trong quá trình lựa chọn thuốc chữa bệnh.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, trong giao đoạn 2 của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” năm 2017-2020, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và đẩy mạnh sử dụng thuốc sản xuất trong nước để đạt được mục tiêu là tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại bệnh viện tuyến trung ương lên 30%, tuyến tỉnh 50% và tuyến huyện tới 75%. Đồng thời tăng tỷ lệ kê đơn cấp thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hàng năm tăng 5-10%.

Với các kinh nghiệm triển khai đề án được chia sẻ tại Hội nghị, với hàng loạt văn bản, cơ chế, chính sách ban hành tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và đẩy mạnh sử dụng thuốc sản xuất trong nước, Bộ Y tế hy vọng đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra./.

Duy Phong
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất