Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 30/12/2017 16:15'(GMT+7)

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ kiến tạo, hành động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng kết quả ban đầu đã đạt kỳ vọng.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào sau nửa nhiệm kỳ thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, hành động? Có còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như năm trước?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chính phủ liêm chính nói không với tiêu cực, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nâng cao hiệu quả, năng suất và tạo được thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Khi thành lập Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo phải hoàn thiện vấn đề quy trách nhiệm của Chính phủ, ban hành chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ; rà soát toàn bộ các văn bản có hiệu lực thi hành, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng trình Chính phủ các nghị định để triển khai cụ thể các luật, pháp lệnh. Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh như năm nay. Đó là điều Thủ tướng đã làm được.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng bao giờ cũng ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, đưa ra thảo luận công khai, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động là người dân và doanh nghiệp. Các chính sách đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là cách làm rất quyết liệt, rõ ràng.

Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phân cấp và đề cao trách nhiệm người đứng đầu của bộ, cơ quan ngang bộ, rất coi trọng vai trò của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Chính phủ tạo điều kiện phân cấp rất thuận lợi để triển khai các việc đó.

PV: Tổ công tác thời gian đầu đã chịu sức ép lớn từ các bộ, ngành. Thậm chí có Bộ ý kiến “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi?”. Đến nay có còn câu chuyện đó, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao. Đây là nét mới và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, chưa có tiền lệ. Nhiệm vụ này rất khó.

Khi kiểm tra nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác phải nghiên cứu đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, xem kiểm tra gì, nói gì, cái nào thuộc thẩm quyền của Tổ công tác, cái nào truyền tải ý kiến của Thủ tướng. Vấn đề nào Thủ tướng khen ngợi, nhắc nhở, phê bình… Đây là việc rất nhạy cảm, rất va chạm.

Khi Tổ công tác kiểm tra, đầu tiên là tại Bộ Kế hoạch – Đầu tư, sau đó là Bộ Tài chính, đúng là có câu chuyện “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Đây là câu chuyện có thể nói là đắn đo, suy nghĩ rất lớn mà trước khi thực hiện việc kiểm tra của Tổ công tác, chúng tôi đã lường trước. Chúng tôi cũng nói rõ rằng đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi không có thẩm quyền phê bình Bộ trưởng mà chúng tôi chỉ truyền tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng.

Với nhận thức và cách đặt vấn đề của Bộ được kiểm tra như vậy, chúng tôi phải giải thích chúng tôi kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ giao chứ không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra, không mang tính bới móc, soi mói. Chúng tôi chỉ muốn nói những nhiệm vụ ấy được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ mới có thể tìm ra lý do chưa hoàn thành, cùng nhau phối hợp, kết nối xử lý những nhiệm vụ như thế.

Chúng tôi cũng sẵn sàng nhận lỗi nếu như Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng giao bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ không đúng, hay thời gian, điều kiện thực hiện không hợp lý. Qua đó, giúp Thủ tướng đánh giá được việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh, bổ sung cho tốt hơn trong tổ chức thực hiện.

Ban đầu như vậy nhưng sau một thời gian ngắn, các Bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho bộ. Quan điểm “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi” giờ đã lãng quên rồi, vì thực ra chúng tôi xuống đó giúp cho các bộ làm việc tốt hơn. Ví dụ khi bộ chủ trì xây dựng văn bản xin ý kiến các bộ chậm trễ, phối hợp với nhau có xung đột thì Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xử lý xung đột đó, từ đó rút ngắn thời gian rất nhiều so với việc chúng ta cứ phải có văn bản giấy.

Câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh”, trên chuyển dưới không chuyển, theo tôi, quan trọng nhất là phải có sự chuyển động từ chính cơ quan tham mưu trực tiếp của bộ đó. Tổ công tác truyền tải chỉ đạo của Thủ tướng cũng tạo ra động lực, chỉ đạo quyết liệt hơn của Bộ trưởng bộ đó, có tính lan tỏa rất tốt. Các bộ, các tỉnh cũng đều có Tổ công tác giúp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh để đôn đốc việc này.

PV: Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác hơn một năm trước, Thủ tướng yêu cầu rõ ràng là bắn trúng đích chứ không phải bắn chỉ thiên. Vậy hơn một năm qua, theo đánh giá của Bộ trưởng, công việc của Tổ công tác đã bắn được trúng đích như Thủ tướng yêu cầu chưa?


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việc đó cũng đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Có thể nói anh kiểm tra không phải cưỡi ngựa xem hoa mà kiểm tra phải có mục tiêu theo từng thời kỳ. Ví dụ, khi thành lập Chính phủ mới, cái đầu tiên quan trọng nhất là phải rà soát, hoàn thiện thể chế. Trước đây nợ đọng văn bản nhưng giờ không nợ nữa thì tập trung kiểm tra, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện thể chế đó.

Vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo tăng trưởng, Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các tập đoàn, địa phương, thấy rằng cần có sự tháo gỡ tăng trưởng. Tháng 8/2017, khi Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 75 và 115 của Chính phủ về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã đi thực tế xuống cơ quan Hải quan tại Hải Phòng, các bộ, ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong 41 lần kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi đã dành ra 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành, từ đó có thể nói, qua kiểm tra chuyên ngành cho thấy đã bắn đúng chỗ, đi đúng đường.

Trước khi đi kiểm tra chúng tôi phải nghiên cứu kiểm tra chuyên ngành thế nào? Ví dụ cắt giảm bao nhiêu, thế nào, thủ tục phải có trình tự để công bố, chứ không phải thích cắt thì cắt. Làm sao để thấy rằng gần 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đó thực sự giảm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Chính phủ, giảm từ 35% xuống 15%.

Như vậy có thể nói ban đầu đã đạt kỳ vọng. Tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn làm rất nhiều nhưng vì thời gian chỉ mới có hơn một năm thôi. Có thể nói với sự cố gắng của tập thể Tổ công tác và sự giúp đỡ của các bộ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, chức năng nhiệm vụ của Tổ công tác dần dần hoàn thiện hơn, anh em cũng đào sâu suy nghĩ và xem các tài liệu, đặc biệt là tập hợp tất cả thông tin trên các kênh để thấy rằng bộ này làm tốt cái này nhưng chưa tốt cái kia; phải nói đúng, nói trúng, đánh giá rất chuẩn, khách quan, công tâm, minh bạch, rõ ràng. Cái nào nhũng nhiễu từ Văn phòng Chính phủ, chúng tôi rất công tâm nhận rõ trách nhiệm để các bộ thấy rằng ông đi kiểm tra tôi nhưng ông vẫn sòng phẳng nói những cái ông không làm được. Rõ ràng nếu Văn phòng Chính phủ chưa tốt thì chúng tôi cũng chịu trách nhiệm.

PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng có trường hợp như Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bị phê bình vì 3 lần lờ yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Hay Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh khi Chính phủ yêu cầu xem xét lại việc đấu thầu vẫn tiếp tục đưa các thiết bị vào triển khai?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến DũngĐúng là tư tưởng người đứng đầu Chính phủ rất quyết liệt nhưng đi vào việc cụ thể thì khác. Thủ tướng đã quyết định thành lập hai website giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, đến nay đã tiếp nhận 4.600 ý kiến người dân và 1.100 ý kiến của doanh nghiệp. Chúng tôi công khai toàn bộ ý kiến để bộ, ngành, địa phương thấy có trách nhiệm trả lời và trả lời đúng hạn, hỏi đâu trả lời đó, một cách chất lượng, từ đó người dân và doanh nghiệp đánh giá bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc việc này. Ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của người đứng đầu khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ nhưng không thực hiện. Ngay cả việc đấu thầu thiết bị y tế của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, dù Bộ Y tế đã có ý kiến nhưng Bệnh viện vẫn không dừng lại mà chỉ đạo đơn vị trúng thầu tiếp tục lắp đặt thiết bị, đó là việc thực hiện không nghiêm. Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Thành phố yêu cầu kiểm tra và báo cáo lại kết quả.

Hay vấn đề liên quan đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, thông báo rồi nhưng cũng không đối thoại, không tham gia giải quyết trực tiếp, vẫn để doanh nghiệp ý kiến đi, ý kiến lại là không đúng tinh thần của Thủ tướng. Trách nhiệm ấy trước hết của người đứng đầu, lẽ ra phải đối thoại, gặp gỡ, trao đổi để hiểu và chia sẻ với nhau sòng phẳng.

Kênh Chính phủ với doanh nghiệp cũng thế, khi doanh nghiệp có ý kiến tiếp thì chúng tôi cũng báo cáo với Thủ tướng chúng tôi sẽ chủ trì để cùng mời doanh nghiệp lên xem xét, trao đổi, đối thoại cho thoả mãn các điều kiện, hợp lý, hợp tình.

Người dân, doanh nghiệp đánh giá cao kênh tiếp nhận này nhưng có lãnh đạo địa phương lại cho rằng điều này tạo sức ép cho họ, tạo ra tiền lệ người dân khiếu kiện vượt cấp, có vấn đề gì đưa lên Chính phủ chứ không qua địa phương, Bộ trưởng nghĩ sao?

Trình tự thủ tục giải quyết theo đơn thư khiếu nại tố cáo đã có quy định. Đây không phải cơ quan giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, mà tiếp nhận phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Mình nói gì cũng phải nghe 2 chiều, người ta cũng đề nghị với địa phương nhiều rồi, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh nhưng giải quyết chưa thấu tình đạt lý việc đó. Ví dụ người ta ổn định bao năm nay rồi nhưng không cấp bìa đỏ, cũng không đưa ra lý do gì, không làm gì khiến dân bức xúc.

Ban hành chính sách không đồng nhất, chồng chéo với các chính sách trước về đất đai, tín dụng, chính sách thuế, người ta đều ý kiến, khi họ ý kiến mà không giải quyết thì người ta phản ánh lên đây thôi. Đây là cơ quan hành chính cao nhất của trung ương, yêu cầu địa phương giải quyết như vậy cũng là sức ép cho địa phương, nhưng việc này cũng khẳng định nếu anh làm tốt thì không có chuyện như vậy. Nếu chính sách tốt thì phải đo lường hết các sự việc, không để mức độ như thế.

Phản ánh này không hoàn toàn đủ căn cứ pháp luật, chưa đủ cơ sở yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải quyết thì chúng ta cần tiếp tục nghe hai chiều. Nhưng phần lớn doanh nghiệp, người dân phản ánh là đúng, hiện tượng bức xúc nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan hành chính cao nhất của trung ương và được Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ như vậy hoàn toàn được doanh nghiệp và người dân quan tâm, tạo cho các cấp hành chính bên dưới thực hiện nghiêm túc hơn.

PV: Thủ tướng từng nói về việc Chính phủ kiến tạo phải thay ngay những cán bộ không làm được việc? Bộ trưởng cũng nói là để văn bản chạy nhanh thì cứ thay người. Trong hơn một năm hoạt động của Tổ công tác, Bộ trưởng đã bao giờ tính đến việc phải có chế tài, kiến nghị thay người?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thực tế hiện nay chế tài xử lý những việc như vậy còn thiếu. Nếu chúng ta có giáo dục chính trị tư tưởng, có nhắc nhở nhưng không được thì bắt buộc phải điều chuyển. Vừa qua tôi cũng sắp xếp điều chuyển một số cán bộ, Văn phòng Chính phủ làm mẫu luôn. Nếu cán bộ không có khả năng thì nên mạnh dạn điều chuyển. Chúng tôi làm trên tinh thần rất công tâm. Sau khi kiểm tra đánh giá xong thì họp lãnh đạo và quyết định luôn, công khai.

Chính phủ kiến tạo mà Văn phòng không chuyển, không đáp ứng yêu cầu Thủ tướng thì không còn là Văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa. Mà không cẩn thận thành rào cản là không được. Đây không chuyển, không mẫu mực, gương mẫu thì không ổn. Văn phòng Chính phủ cũng quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa tất cả cán bộ. Như vậy, phải có sự đánh giá và công tâm. Hiện cán bộ Văn phòng Chính phủ làm việc rất tự giác, ngày nghỉ hầu như các vụ đều làm việc.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Chu Thanh Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất