“Mô hình tổ chức và hoạt động
của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới” là nội dung cuộc tọa
đàm do Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ
chức sáng 3/5 tại Hà Nội.
Theo Ban biên tập, việc bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ
thống pháp luật và bảo đảm để tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng
và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp luôn là vấn đề được
nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Ở Việt Nam, vấn đề tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính tối cao
của Hiến pháp cũng đã được đề cập đến trong quá trình xây dựng và thực
thi các bản Hiến pháp. Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà
nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng cơ chế bảo vệ
Hiến pháp càng trở nên cấp thiết.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (Dự
thảo), Ban biên tập đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng các quy định
trong Dự thảo về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Bên cạnh việc bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật,
bảo vệ Hiến pháp còn bao hàm việc bảo vệ nội dung và tinh thần của Hiến
pháp liên quan đến cách thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước,
bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Để thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam, Dự thảo đã quy định
việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Đây là một trong những mô hình cơ
quan bảo hiến đã được một số nước trên thế giới áp dụng và được cho là
phù hợp bối cảnh bước đầu xây dựng cơ quan bảo hiến ở Việt Nam.
Nhằm cung cấp thêm thông tin phục vụ quá trình sửa đổi Hiến pháp năm
1992, Ban biên tập đã chủ trì nghiên cứu, biên soạn cuốn tài liệu tham
khảo về hội đồng hiến pháp của một số nước trên thế giới.
Nội dung cuốn tài liệu này là giới thiệu về cơ cấu tổ chức và cách thức
hội đồng hiến pháp các nước xử lý các vụ việc có liên quan đến bảo vệ
Hiến pháp. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá phục vụ cho
việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam qua lần sửa
đổi Hiến pháp này.
Theo các chuyên gia, đặc trưng nổi bật của Hội đồng Hiến pháp so với các
mô hình bảo hiến khác là mang tính chất của một cơ quan chính trị hơn
là một cơ quan tài phán thực sự; chủ yếu do việc xem xét giải quyết các
vụ việc tại Hội đồng Hiến pháp không công khai và thiếu đặc trưng của
thủ tục tố tụng. Điều này khiến cho Hội đồng Hiến pháp khác với mô hình
tòa án hiến pháp và tòa án thường.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, Hội đồng Hiến pháp vẫn cho thấy khả năng
bảo hiến hiệu quả hơn so với mô hình nghị viện vì nó là một cơ quan hiến
định độc lập. Một điểm khác biệt quan trọng nữa là Hội đồng Hiến pháp
bao gồm những chuyên gia có chuyên môn khác nhau, không nhất thiết chỉ
là những chuyên gia luật.
Trong khi đó, mô hình kiểm hiến bằng tòa án yêu cầu các thành viên phải
có chuyên môn pháp luật; còn trong mô hình bảo hiến nghị viện, thông
thường các nghị sỹ đồng thời là những người thực thi quyền kiểm hiến.
Nghiên cứu cho thấy thiết chế Hội đồng Hiến pháp trên thế giới đã có
những biến đổi lớn trong thời gian gần đây mà nổi bật là việc ở một số
nước đã trao quyền kiểm hiến sau (kiểm hiến các đạo luật đã có hiệu lực)
cho Hội đồng. Việc này trong thực tế đã thu hẹp đáng kể khoảng cách
giữa Hội đồng Hiến pháp và thiết chế bảo hiến phổ biến nhất hiện nay
trên thế giới là kiểm hiến bằng tòa án.
Từ những thông tin về mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến
pháp một số nước trên thế giới, có thể thấy chủ trương bổ sung quy định
về thành lập Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo là rất phù hợp với thực tế
và xu hướng chung trên thế giới.
Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ góp phần khắc phục những nhược điểm
của mô hình bảo hiến nghị viện, hứa hẹn tạo ra một bước tiến quan trọng
trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cuốn tài liệu cũng cho rằng Hội đồng Hiến pháp
mặc dù có thể là lựa chọn thích hợp trong giai đoạn chuyển đổi của một
quốc gia nhưng tính chất chuyên nghiệp và hiệu quả không bằng mô hình
kiểm hiến bằng tòa án. Do đó, về lâu dài nên hướng tới việc thành lập
Tòa án Hiến pháp - mô hình tỏ ra phù hợp hơn cả với Việt Nam.
Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nếu lựa chọn Hội đồng
Hiến pháp, cần bổ sung các quy định để đảm bảo cơ quan này có quyền phán
quyết với hành vi vi hiến của mọi cơ quan nhà nước và quyền kiểm hiến
sau, nhằm phù hợp với xu hướng phát triển của mô hình bảo hiến này trên
thế giới./.
Theo Thanh Hòa (TTXVN)