Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/4/2013 11:8'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa

Quận Bình Tân là một trong những quận dẫn đầu thành phố trong việc nhận và trả hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất... theo mô hình một cửa liên thông.

Quận Bình Tân là một trong những quận dẫn đầu thành phố trong việc nhận và trả hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất... theo mô hình một cửa liên thông.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của nước ta áp dụng thí điểm mô hình một cửa trong tiếp nhận và giải quyết TTHC từ năm 1996. Ðến nay, toàn bộ 322 đơn vị cấp phường, 24 đơn vị cấp quận ở thành phố đã triển khai cơ chế một cửa. Theo đó, việc thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các quận, huyện chủ yếu thuộc các lĩnh vực kinh tế, lao động, xây dựng, cấp số nhà, đất đai, hộ tịch, y tế; còn ở cấp phường là các loại công việc được công bố theo Ðề án 30 thuộc thẩm quyền của UBND cấp này.

Cả 24 quận, huyện ở thành phố cũng đã triển khai quy trình liên thông giữa UBND cấp quận và UBND cấp phường trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh cá thể. Phần lớn các quận, huyện chọn UBND phường, xã, thị trấn làm đầu mối nhận, trả hồ sơ nhằm bảo đảm thuận tiện cho người dân. Anh Nguyễn Ðình Bắc, ngụ tại khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Ðức cho biết: Việc thực hiện MCLT trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay đỡ vất vả hơn cho người dân rất nhiều. Trước đây, để làm loại giấy này, người dân phải tới Phòng Quản lý đô thị quận để xác nhận thông tin quy hoạch rồi quay về phường đối chiếu đất ấy có thuộc diện tranh chấp hay không, sau đó nộp hồ sơ lên Phòng Tài nguyên và Môi trường. Bây giờ, người dân chỉ cần nộp các loại giấy tờ cần thiết tại UBND phường rồi chờ nhận kết quả.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy trình liên thông này đã góp phần giảm áp lực đối với UBND cấp quận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi nộp hồ sơ. Mối quan hệ liên thông từng bước tạo sự đồng bộ, chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương từ quận, huyện xuống phường, xã, thị trấn, nâng dần trình độ cán bộ cấp phường thông qua công việc, tạo được lòng tin của tổ chức và công dân đối với chính quyền cơ sở. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, thường trú tại số 1, đường Tản Viên, phường 2, quận Tân Bình, cho biết: Bây giờ, có việc liên quan đến TTHC đỡ vất vả rồi. Mọi quy trình, thủ tục được hướng dẫn chi tiết, niêm yết công khai tại nơi làm thủ tục. Công chức giao tiếp với người dân đến làm TTHC có thái độ hòa nhã, hướng dẫn tận tình. Quy trình làm thủ tục được rút ngắn và không sai hẹn như trước đây.

Hiện tại, có 12/24 quận, huyện ở thành phố được chọn để áp dụng cơ chế MCLT. Một số quận liên thông giữa các phòng chuyên môn trực thuộc với các cơ quan ngành dọc cùng cấp để giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận. Riêng quận 7, đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, giải quyết và trả kết quả 17 loại hồ sơ hành chính là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng UBND quận qua việc liên thông với UBND các phường trực thuộc. Một số UBND quận, huyện cũng đã chủ động xây dựng quy trình, phần mềm thụ lý, liên thông với Chi cục Thuế trong việc cấp mã số thuế cho các hộ cá thể khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cuối tháng 1-2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế MCLT nhóm TTHC đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú đối với trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông nhóm TTHC đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú đối với người chết có đăng ký thường trú tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, sẽ giảm khoảng 30 TTHC và chấm dứt tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần.

Từ khi mới triển khai thực hiện cơ chế một cửa, MCLT, TP Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng theo hướng hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên của cả nước xây dựng "Một cửa điện tử" và từ ngày 15-12-2008, hệ thống này chính thức được đưa lên Trang thông tin điện tử của thành phố.

Phần lớn các quận, huyện đều đã sử dụng hệ thống lấy số tự động, máy quét mã vạch, ki-ốt tra cứu thông tin hồ sơ. Riêng UBND quận 1 đã chính thức vận hành hệ thống nhắn tin lấy số thứ tự làm TTHC trên các lĩnh vực. Việc lấy ý kiến người dân được các quận, huyện triển khai bằng nhiều hình thức khá đa dạng như công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử, lấy ý kiến khách hàng bằng hệ thống điện tử... Tất cả các quận, huyện của thành phố đều đã có website giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công bố toàn bộ các quy trình, TTHC đang áp dụng tại các sở, ngành, quận, huyện và thực hiện liên kết các phần mềm liên thông vào hệ thống để người dân tự tra cứu về tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của mình. Ðến nay, hệ thống "Một cửa điện tử" của thành phố đã có 24 quận, huyện và bảy sở, ngành tham gia cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ cho công dân ở bảy lĩnh vực. Việc triển khai hệ thống "Một cửa điện tử" trên điện thoại di động dựa vào việc ứng dụng mạng 3G bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả, giúp người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính ở mọi lúc, mọi nơi.

Qua thực tế, việc thực hiện đồng bộ giữa cơ chế một cửa, MCLT kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai quy trình ISO trong kiểm soát chất lượng, tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, khắc phục tình trạng đùn đẩy công việc, không rõ trách nhiệm giữa các cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên, tại các huyện ngoại thành, do điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, hạ tầng viễn thông còn thấp, thiếu kinh phí và trình độ tin học của cán bộ ở bộ phận một cửa chưa cao, nên còn nhiều hạn chế khi triển khai các phần mềm phục vụ việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, MCLT. Cùng với đó, vẫn còn hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm, thái độ thờ ơ trong giải quyết công việc ở một bộ phận cán bộ, công chức..., là tác nhân gây ra một số trở ngại trong việc cải cách hành chính ở thành phố.

Hiện đại hóa nền hành chính, nhân rộng cơ chế một cửa, MCLT theo hướng hiện đại là mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong tổng thể chương trình cải cách hành chính của TP Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có một số đề xuất, kiến nghị với T.Ư nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc để thực hiện có hiệu quả hơn cơ chế một cửa, MCLT theo hướng hiện đại trong thời gian tới và không chỉ riêng với thành phố.

Theo đó, T.Ư cần ban hành quy định cụ thể tiêu chí để xác định giải quyết TTHC theo tiêu chí một cửa, MCLT theo hướng hiện đại để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Các tiêu chí cần phải được phân loại theo cấp độ, phù hợp với cơ sở hạ tầng, số lượng hồ sơ hành chính của từng địa phương để tránh sự đầu tư dàn trải, lãng phí. Các bộ, ngành đưa nhanh bộ TTHC dùng chung ở các cấp, các lĩnh vực vào áp dụng thống nhất trong cả nước. Triển khai đồng bộ, hoàn thiện việc thực hiện cơ chế một cửa, MCLT theo mô hình thống nhất đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại một cơ quan nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân. Cần đầu tư thống nhất việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mô hình một cửa điện tử từ T.Ư đến địa phương, tránh tình trạng mỗi đơn vị, mỗi ngành, mỗi địa phương tự xây dựng hệ thống theo tiêu chuẩn riêng, không đồng bộ, gây lãng phí và khó khăn trong việc kết nối và trao đổi, tổng hợp thông tin. Ðẩy mạnh việc triển khai Chính phủ điện tử nhằm khắc phục cơ bản tình trạng xử lý, trao đổi thông tin chủ yếu bằng phương pháp thủ công như hiện nay. Cùng với đó, cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa trong giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đồng thời, hỗ trợ về kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, xây dựng hệ thống đường truyền mạng và triển khai kết nối mạng nội bộ...

Theo Dương Hồng Lâm/ Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất