Tại Geneva, ngày 22/4, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức Tọa đàm “Trí thức trẻ người Việt tại Thụy Sĩ với đất nước,” do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dương Chí Dũng chủ trì, cùng với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phạm Hải Bằng.
Cuộc tọa đàm đã thu hút đông đảo trí thức Việt Nam đang công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, hạ tầng năng lượng và giao thông, cũng như các chuyên gia cao cấp của Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Geneva như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh cơ hội và may mắn của các trí thức Việt Nam được sống và làm việc tại Thụy Sĩ, quốc gia được ví là “túi khôn của thế giới” vì là nước luôn dẫn đầu về chỉ số sáng tạo toàn cầu cũng như luôn dành nguồn lực lớn cho nghiên cứu và phát triển.
Đặc biệt, Geneva lại là nơi có các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới... Được làm việc, cọ xát chuyên môn trong một môi trường phát triển như vậy, các trí thức Việt Nam chắc chắn tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu để chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh mục đích, vai trò của Phái đoàn Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam là các cơ quan giúp tập hợp, kết nối mạng lưới các trí thức từ nhiều lĩnh vực và địa bàn khác nhau tại Thụy Sĩ, ủng hộ, tạo điều kiện và là cầu nối gắn kết giữa các trí thức với đất nước.
Các trí thức Việt Nam mang tới tọa đàm các tham luận chia sẻ những hiểu biết chuyên môn trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như phân tích tiềm năng, vai trò, đóng góp của các trí thức đang làm việc trong các tổ chức quốc tế tại Geneva.
Thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Hoàng Minh, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang là kỹ sư công nghệ thông tin tại công ty Sicpa Security Solution, đề cập tới kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc xây dựng và phát triển mô hình chính phủ điện tử, với việc ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý.
Những kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong lĩnh vực này được kỹ sư Nguyễn Hoàng Minh đúc rút ngắn gọn, đó là việc thiết kế và quản lý đồng bộ, cách tiếp cận từ dưới lên, (lấy xuất phát điểm và chú trọng nhu cầu và sự tiện lợi của người dân trong xây dựng mô hình), trao đổi dữ liệu liên thông, minh bạch, thống nhất, khuyến khích sáng kiến, phản hồi từ dân và hợp tác thiết thực, hiệu quả với doanh nghiệp.
Tiến sỹ, kỹ sư về hạ tầng năng lượng và giao thông Trịnh Ngọc Thành, cố vấn và quản lý dự án tại Stucky – công ty hàng đầu thế giới về đập thủy điện, thủy lợi, trình bày tham luận về cơ hội và thách thức hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong lĩnh vực xây dựng, quản lý các công trình đập thủy lợi, thủy điện và cơ sở hạ tầng.
Về kỹ thuật thiết kế, xây dựng và quản lý an toàn các công trình thủy điện của Thụy Sĩ, tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành chia sẻ về những hợp tác hiệu quả giữa các công ty, tập đoàn của Thụy Sĩ với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có các đối tác lớn tại châu Á như Trung Quốc, với một dự án quan trọng quản lý an toàn cho 98.000 đập thủy điện tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng năng lượng và nông nghiệp, tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành cũng đề cập đến vấn đề cơ sở hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Thành, để giải quyết các vấn đề hạ tầng đô thị của mình, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp bền vững, cân bằng các yếu tố kinh tế và sinh thái.
Trong khi đó, tiến sỹ Kinh tế Hoàng Ngọc Giang gửi đến buổi tọa đàm tham luận về Tiếp cận kinh tế tri thức và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu qua con đường đầu tư mạo hiểm.
Từ thực tế của Việt Nam, quốc gia hiện đứng ở vị trí rất thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng tạo ra rất hạn chế, tiến sỹ kinh tế Hoàng Ngọc Giang đề cập đến sự cần thiết của việc cần sớm tiếp cận nền kinh tế tri thức, dịch chuyển nền sản xuất trong nước lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiến sỹ Giang gợi ý một hướng tiếp cận mới mà Việt Nam có thể tính đến, phù hợp với năng lực vốn của Việt Nam hiện nay, là đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài, ngay tại các nước có nền kinh tế tri thức phát triển nhất.
Với tham luận về tiềm năng đóng góp của các trí thức Việt Nam làm việc tại các tổ chức quốc tế, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Nhật Linh, công tác tại WHO, đã phân tích về vai trò của các chuyên gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế như WHO, WTO và nhấn mạnh sự tham gia của người Việt Nam tại các tổ chức này giúp chia sẻ kinh nghiệm, thế mạnh của Việt Nam trong một số lĩnh vực như chăm sóc y tế cộng đồng, nâng cao tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn, và góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Chính vì vậy, cần có nhiều cán bộ Việt Nam hơn nữa tham gia công tác tại các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc cũng như tại các định chế kinh tế, tài chính thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Nhật Linh cũng kêu gọi các trí thức, chuyên gia của Việt Nam cần tự tin và quyết đoán hơn để tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, cũng như cần có sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ Việt Nam giúp các trí thức bước ra thế giới với tâm thế đĩnh đạc, tự tin hơn.
Về một mô hình kết nối, tập hợp các trí thức, bà Đặng Thúy Tình, Trưởng Bộ phận Tài chính tại Stromasys Group, công ty chuyên về Giải pháp Hệ thống ảo, đề xuất ý kiến xây dựng kế hoạch, vận động thành lập mô hình hiệp hội tự chủ, tự quản của các trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ, tập hợp, hỗ trợ các trí thức trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, đầu tư, chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Ngoài những tham luận chính tham gia đóng góp tại tọa đàm, sự kiện cũng ghi nhận những ý kiến tham gia thảo luận sôi nổi từ các trí thức nhiều thế hệ.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dương Chí Dũng ghi nhận và hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các trí thức, trong đó có sáng kiến về thành lập cơ chế thường trực liên kết trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ. Hướng đến kết nối và thúc đẩy các đóng góp của đội ngũ trí thức người Việt Nam tại Thụy Sĩ, Đại sứ Dương Chí Dũng đề xuất các hoạt động trao đổi cần được tổ chức thường xuyên, Phái đoàn và Đại sứ quán là cầu nối để các trí thức chuyển tải đóng góp thiết thực, hiệu quả về đất nước./.
Theo TTXVN