(TG) - Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi về sự cần thiết ban hành dự án Luật; tác động của Luật đối với phát triển kinh tế xã hội, phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia; những quy định về kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia, giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và về đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe.
Sáng ngày 18/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi Tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” – dự luật do Bộ Y tế là cơ quan thường trực soạn thảo.
Tham dự buổi Toạ đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, y tế, đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế cần đánh giá, xem xét kỹ về sự xây dựng dự án luật, cũng như tên của luật. Bên cạnh đó, theo ông Việt, Dự luật cần tăng cường kiểm soát nguồn cung, kiểm soát nhu cầu loại đồ uống này sao cho phù hợp với thực tế truyền thống của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, các cơ quan quản lý hữu quan cần kiểm soát tốt hoạt động nấu rượu thủ công bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân trong thời gian gần đây.
Cũng theo báo cáo của Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản được công bố cho thấy sản lượng bia tiêu thụ theo bình quân đầu người/năm (năm 2016) của Việt Nam là 40,8 lít/người/năm - sau Hàn Quốc, Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ trên 54 vào loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện của Công ty Heineken tại Việt Nam cho rằng, Dự luật cũng nên tập trung quản lý sát sao những quảng cáo mang tính chất lạm dụng, gây hiệu ứng xấu liên quan đến sử dụng rượu, bia hay những hoạt động quảng cáo nhắm đến đối tượng vị thành niên.
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng, các chương trình quảng cáo về rượu, bia hiện nay đang tồn tại hai mặt, đó là quảng cáo giáo dục người uống đến chừng mực nào thì dừng, chứ không phải khuyến khích uống thật nhiều. Theo ông, để góp phần các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu nên ủng hộ thiết thực hơn nữa đối với các chương trình từ thiện, nhân đạo và giáo dục, phổ biến kiến thức nhằm phòng tránh những tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn mang lại cho cộng đồng.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Nguyên nhân chính gây ra tác hại hay các vụ ngộ độc là do người tiêu dùng sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania)… Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa; không lạm dụng đồ uống có cồn, không nhất thiết phải ban hành thêm một luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của có nó mang lại./.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2017, sản lượng bia các loại ước đạt 4 tỷ lít - tăng 5,65% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bia trong 3 năm gần đây (2015-2017) có xu hướng giảm dần, năm 2017 giảm 3,65% so với 2016.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ 6,6 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 94/194 nước thành viên của WHO.
Duy Phong