Sau 10 ngày xét xử công khai, chiều 15/12, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã
tuyên y án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964, trú tại ở
phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng
lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và 5 bị cáo khác trong vụ
án.
Nguyễn Đức Kiên và 6 bị cáo trong vụ án cùng bị Tòa án cấp sơ thẩm xét
xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây
hậu quả nghiêm trọng”; riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên còn bị xét xử 3 tội
danh khác là “Kinh đoanh trái phép,” “Trốn thuế” và “Lừa đảo chiếm đoạt
tài sản.”
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; kết quả
tranh luận tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các
chứng cứ, tài liệu; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, trình bày của các
bị cáo, các luật sư và những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét
xử phúc thẩm xác định việc các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải
(nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (nguyên
Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch Hội
đồng quản trị ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực Hội
đồng quản trị ngân hàng ACB) đã có hành vi ban hành chủ trương ủy thác
cho 19 thành viên gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại 718.908.000.000
đồng và việc các bị cáo này ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện việc
cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho ACBS thông qua ACI và ACI-HN mua cổ phiếu
của ACB gây thiệt hại 687.723.784.540 đồng đã phạm tội Cố ý làm trái quy
định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định
tại khoản 3 Điều 165 Bộ Luật hình sự, như Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là
đúng người đúng tội, không oan.
Hội đồng xét xử nhận thấy, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước
về quản ký kinh tế của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là đặc
biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội diễn ra trong một thời gian dài,
thông qua việc ký kết những hợp đồng giữa các doanh nghiệp có liên quan
với nhau đều do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo.
Hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu được thực hiện thông qua
ACB và các ngân hàng vệ tinh Kienlongbank, Vietbank, đều là những ngân
hàng do bị cáo Nguyễn Đức Kiên thao túng. Hậu quả do hành vi phạm tội
của các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng không chỉ đối với hàng nghìn
cổ đông Ngân hàng ACB mà còn ảnh hưởng xấu tới việc thực hiện chính
sách điều tiết, quản lý kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động kinh doanh
tiền tệ của Nhà nước; ảnh hưởng đến sự vận hành và phát triển của nền
kinh tế quốc dân.
Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án nên việc xét xử nghiêm
minh đối với các bị cáo là cần thiết để vừa cải tạo giáo dục các bị cáo,
vừa có tác dụng răn đe phòng ngừa chung.
Xét kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên, với nhận xét đánh giá về từng hành vi
phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy việc Tòa án cấp sơ
thẩm quy kết bị cáo về 4 tội danh là không oan, mức hình phạt là phù
hợp; nên quyết định giữ nguyên về tội danh và hình phạt. Riêng tội “Trốn
thuế” do mức thuế được xác định lại nên cần điều chỉnh mức thuế và hình
phạt bổ sung cho phù hợp.
Xét kháng cáo của bị cáo Lý Xuân Hải, Hội đồng xét xử xác định bị cáo
không oan; Bị cáo kháng cáo nhưng không có tài liệu chứng cứ gì mới để
chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận.
Đối với bị cáo Lê Vũ Kỳ, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định ngay từ giai
đoạn điều tra cho đến khi xét xử phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo,
ăn năn hối cải, giúp các cơ quan tố tụng nhanh chóng điều tra làm rõ
những tình tiết của vụ án nên có thể xem xét giảm một phần hình phạt cho
bị cáo Lê Vũ Kỳ.
Đối với kháng cáo của các bị cáo Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và
Huỳnh Quang Tuấn, Hội đồng xét xử xét thấy, trong giai đoạn xét xử phúc
thẩm các bị cáo đã nhận thấy sai phạm của mình; không kêu oan, xin giảm
hình phạt và xin hưởng án treo. Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại
điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, tuy nhiên mức án mà Tòa án cấp
sơ thẩm xử phạt đối với các bị cáo là đã chiếu cố tới điều kiện hoàn
cảnh và nhân thân, do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị
cáo.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định: Chấp nhận một
phần kháng cáo của bị cáo Lê Vũ Kỳ; chấp nhận một phần kháng cáo của
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B và bị cáo Nguyễn Đức Kiên về
số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B&B phải bị truy nộp
theo hợp đồng 01 và số tiền phạt bổ sung về hành vi phạm tội trốn thuế
của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm các tội: “ Kinh
đoanh trái phép,” “Trốn thuế,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm
trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng.”
Các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang,
Huỳnh Quang Tuấn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử
tuyên phạt tổng hợp 30 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên về cả 4 tội
danh nêu trên.
Ở nhóm bị cáo bị kết tội về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước
về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” các bị cáo Lý Xuân Hải
chịu mức án 8 năm tù, Trịnh Kim Quang 4 năm tù, Phạm Trung Cang lĩnh 3
năm tù, Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù và Lê Vũ Kỳ từ 5 năm tù, giảm xuống
còn 4 năm tù.
Phiên tòa phúc thẩm tuân thủ đúng các quy định về trình tự và thủ tục
của pháp luật tố tụng hình sự, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp./.
Nguyễn Cường (TTXVN)