Tội phạm mạng đang ngày nở rộ và khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất gần
500 tỷ USD mỗi năm. Đây là kết luận trong một báo cáo do Trung tâm
Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phối hợp với công ty bảo mật
McAfee thực hiện công bố ngày 9/6.
Theo báo cáo trên, tội phạm mạng đang phát triển thành một "ngành công
nghiệp toàn cầu" tăng trưởng đều đặn, hủy hoại hoạt động thương mại,
tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp và quốc gia.
Báo cáo ước tính các cuộc tấn công mạng đang khiến nền kinh tế toàn cầu
thiệt hại khoảng 445 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả 350.000 việc làm bị mất
tại Mỹ và châu Âu.
Các chuyên gia nhận định con số này có thế thấp hơn so với các nghiên
cứu trước đó vì nhiều lý do, một số hãng, công ty bị tin tặc tấn công
nhưng không trình báo với cơ quan chức năng và nhiều chính phủ không chủ
động thu thập các thông tin về vấn đề này.
Báo cáo cũng nên rõ các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là những "nạn
nhân" lớn nhất của tội phạm mạng khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức
đối mặt với tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm.
Ước tính có khoảng 40 triệu người sử dụng Internet tại Mỹ, tương đương
15% dân số, đã bị tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân. Trong khi đó, hàng
loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn cũng gây ảnh hưởng cho 54 triệu người ở
Thổ Nhĩ Kỳ, 16 triệu người ở Đức và hơn 20 triệu người Trung Quốc.
Ước tính số người là nạn nhân của tin tặc trong năm ngoái lên tới 800
triệu người. Theo bản báo cáo, việc đánh cắp thông tin cá nhân, đặc biệt
các thông tin thẻ tín dụng, cũng có thể gây tổn thất lên tới 150 tỷ USD
trên quy mô toàn cầu.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia đánh giá thiệt hại do các cuộc
tấn công mạng đang không ngừng tăng cao, trong đó hai nguy cơ nghiêm
trọng nhất là ăn trộm bản quyền sở hữu trí tuệ từ doanh nghiệp và đánh
cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Theo các nhà nghiên cứu, tội phạm mạng đang là một "thứ thuế đánh vào sự
sáng tạo", khiến cho động lực và tốc độ sáng tạo của các nhà phát minh
bị sụt giảm nghiêm trọng khi quyền lợi mà họ nhận được bị giảm sút.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo để phòng vệ và hạn chế nguy cơ bị tấn
công mạng, các quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển
khai các chiến dịch triệt phá các đường dây tin tặc, chẳng hạn như
chiến dịch triệt phá đường dây tội phạm sử dụng phần mềm độc hại
Gameover Zeus để lây nhiễm hàng trăm nghìn máy tính hồi tuần trước./.
(TTXVN)