Tối 16/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec), giải thưởng WIPO năm 2016.
Ông Phan Xuân Dũng Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng nhiều đại diện các bộ, ngành tới dự.
Chúc mừng các tác giả được trao giải, ông Phan Xuân Dũng cho rằng với 22 lần trao giải, các công trình đoạt giải thưởng đã nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước trong những năm qua, tạo được tiếng vang lớn góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ trong đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trên cả nước.
Các công trình giải thưởng góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách, khẳng định tài năng sức sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học trong nước vô cùng to lớn. Giải thưởng Vifotec đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Theo ông Phan Xuân Dũng, năm 2017, Quỹ Vifotec sẽ tiếp tục tổ chức giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ với trọng tâm cho các công trình thuộc lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, ông đề nghị các nhà khoa học quan tâm khuyến khích, tìm tòi sáng tạo các công trình khoa học công nghệ có khả năng nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec nhấn mạnh giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ có những công trình giá trị khoa học, kinh tế-xã hội, khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống.
Các công trình đoạt giải trong những năm qua đã và đang áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế hàng nhập khẩu.
Trong những năm tới, Quỹ Vifotec sẽ cùng các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước đưa phong trào sáng tạo trong cả nước đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả hơn nữa góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Năm 2016 có 45 công trình khoa học được trao giải gồm: 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 17 giải Khuyến khích thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên như cơ khí-tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin-điện tử - viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Bốn công trình được trao giải Nhất gồm “Chế tạo tàu khách bằng nhựa dẻo đặc biệt (PPC) với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn (Công ty Cổ phần công nghệ James Boat, Hà Nội); "Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của tiến sỹ Lê Văn Tri (Công ty Cổ phần công nghệ sinh học, Hà Nội); “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo” của tác giả Đoàn Ngọc Hiệp (Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199) và “Nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng súng chống tăng SCT-9 (SGP-9) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với môi trường Việt Nam” của tác giả Cù Đức Lam (Nhà máy Z125), cùng thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Hai công trình xuất sắc nhất là “Chế tạo tàu khách bằng nhựa dẻo đặc biệt (PPC) với 56 chỗ ngồi” và "Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải thưởng WIPO năm 2016.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Giải thưởng Vifotec đã có gần 2.500 công trình tham gia, gần 800 công trình đoạt giải. Các công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn, các công trình tham gia đều nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống sản xuất và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh, quốc phòng./.
TTX