Tối 26/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Tổng thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khóa I, nhân dịp ông tròn 100 tuổi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, nhiều địa phương, cùng đông đảo các văn nghệ sỹ, đồng nghiệp, đồng chí, thân nhân gia đình nhà văn, nhà viết kịch Học Phi và khán giả Thủ đô đã tham dự.
Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, tên khai sinh là Chu Văn Tập, sinh ngày 11/2/1913 tại Tam Nông, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Từ năm 12 tuổi, Học Phi đã tham gia các hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng năm 19 tuổi và ông bắt đầu viết văn năm 1936.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh Hưng Yên, sau đó làm Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin tuyên truyền. Trong suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến, ông được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách tại khu II, liên khu III và Ban Tuyên huấn Trung ương, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương.
Sau 1954, ông trở về Hà Nội, được bổ nhiệm làm Giám đốc Đoàn kịch nói Trung ương, sau này trở thành Nhà hát kịch Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam...
Đến nay, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà khoảng 30 vở kịch và 9 cuốn tiểu thuyết. Hầu hết các tác phẩm của ông đều tập trung thể hiện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khắc họa hình tượng người chiến sỹ cách mạng.
Nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi nay đã tròn 100 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, song ông còn rất minh mẫn, hăng say lao động, sáng tạo nghệ thuật. Những đóng góp xuất sắc của ông cho văn học nghệ thuật đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, năm 1996). Ông cũng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất...
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm tuổi đời và tôn vinh công lao, đóng góp của nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dựng lại vở
"Ni cô Đàm Vân" của ông.
"Ni cô Đàm Vân" vốn là kịch bản kịch được viết sau khi tác giả Học Phi nghỉ hưu, các tình tiết trong vở kịch này rút ra từ chính những câu chuyện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Tác giả Trần Đình Ngôn đã chuyển thể kịch bản của Học Phi sang chèo và được đánh giá là một trong những kịch bản mẫu mực về chèo thể hiện đề tài hiện đại. Ra đời vào những năm 70 của thế kỷ XX, kịch bản này đã được hàng chục nhà hát dàn dựng và công chúng nhiệt tình đón nhận.
Kịch bản của tác giả Học Phi và những vở diễn dàn dựng từ kịch bản này đều khắc họa thành công hình tượng người chiến sỹ cách mạng kiên trung, anh dũng, khôn khéo trong đấu tranh với kẻ thù, đồng thời thể hiện đời sống nội tâm, tình cảm sâu sắc của những người chiến sỹ cách mạng.
Thành công của vở chèo
"Ni cô Đàm Vân" chính là ở chỗ đã kết hợp khéo léo những yếu tố tự sự của chèo truyền thống với những xung đột kịch, khiến cho vở chèo đậm chất trữ tình, nói về cách mạng, người chiến sỹ cách mạng không khô khan, cứng nhắc, mà thấm đẫm chất nhân văn cao cả...
Phát biểu tại buổi Lễ, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi bày tỏ niềm xúc động to lớn trước sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung đối với cá nhân ông và toàn thể giới văn nghệ sỹ Việt Nam; coi đây là nguồn động viên to lớn đối với ông và giới văn nghệ sỹ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Ông bày tỏ mong muốn, trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời, khi còn sức lực, ông sẽ còn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao hoa và quà, nồng nhiệt chúc mừng nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi nhân dịp ông tròn 100 tuổi.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng nhà văn, nhà viết kịch Học Phi.
Ngay sau Lễ tôn vinh, các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam đã biểu diễn vở chèo
“Ni cô Đàm Vân” như một món quà đầy ý nghĩa, để chúc mừng nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi./.