50 năm Chiến thắng Đồng Lộc – Những ký ức còn sống mãi
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa danh huyền thoại, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: TA) |
Nằm trên huyết mạch Đường Trường Sơn huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khoá III (12-1965) "kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”, với tình cảm thiêng liêng “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, quân và dân Hà Tĩnh cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc đã tập trung mọi nguồn lực quyết giữ bằng được huyết mạch giao thông - Đường 15A. Trong khói lửa đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết cận kề nhưng đã có trên 16.000 người thuộc các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm trên đất lửa Đồng Lộc, với quyết tâm sắt đá: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, "đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu", "địch phá một ta làm mười”… đã trở thành lý tưởng, phương châm sống, chiến đấu của các lực lượng.
|
Bức ảnh chụp tiểu đội 4 - Thanh niên xung phong và 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh tư liệu) |
Trong 5 tháng của năm 1968, các lực lượng chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7 năm 1968, các lực lượng của ta đã phá 1.780 quả bom các loại, góp gần 974.300 ngày công để làm đường, thông tuyến cho xe ra tiền tuyến.
Trên chiến trường khốc liệt này, đã có hàng trăm người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, linh hồn của họ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Tiêu biểu là 10 nữ Thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hi sinh ngày 24/7/1968 khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Máu đào của các chị đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Sự hy sinh anh dũng của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc và thắng lợi chung của cả dân tộc trong công cuộc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Tĩnh được công nhận là lá cờ đầu miền Bắc về bảo đảm giao thông vận tải và vinh dự được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhì của Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trao tặng. 10 liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.
Giá trị lịch sử và hiện thực
Ban Tổ chức đã nhận được 34 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học, các cựu thanh niên xung phong, các nhân chứng lịch sử đã từng sống, chứng kiến, chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường Đồng Lộc.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc là dịp để chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; vị trí, vai trò việc bảo đảm giao thông trên Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Đồng Lộc; tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Hà Tĩnh nói riêng, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên xung phong; đúc kết những bài học hữu ích, phát huy tinh thần, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm xưa trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay”.
|
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám (Ảnh: TA) |
Báo cáo đề dẫn khăng định chiến thắng của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc cách đây 50 năm, đã để lại những bài học, kinh nghiệm quí báu, cần được phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, đó là:
Một là, bài học, kinh nghiệm về công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và nhân dân trên địa bàn. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được thực hiện ngay trên chiến hào, bên miệng hầm, giữa những trận ném bom, không kích của máy bay địch. Các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông tại đây đã thấm nhuần chủ trương của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân khu IV, của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thể hiện qua những khẩu hiệu hành động, xác định giao thông vận tải là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Hai là, bài học kinh nghiệm về phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, niềm tin tất thắng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Với quyết tâm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" ,"Sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm", "Xe chưa qua, nhà không tiếc"…, quân và dân miền Bắc đã trụ bám kiên cường ở những trọng điểm, quyết giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Ba là, bài học về tình đồng chí, đồng đội trong bối cảnh chiến tranh ác liệt. Những người lính của các quân binh chủng, những đội viên thanh niên xung phong, lực lượng công an, lực lượng bảo đảm giao thông và nhân dân địa phương đã đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày và trong chiến đấu. Trong khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương đã hòa quyện với tình đồng chí, đồng đội và tình yêu đôi lứa, tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần, thôi thúc những chàng trai, cô gái xông lên, công hiến tuổi thanh xuân cho đất nước .
Bốn là, bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo, về động viên, huy động sức dân thực hiện và hoàn thành cho được nhiệm vụ đã đề ra. Nhân dân Hà Tĩnh, với quyết tâm "địch phá một ta làm mười", đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến đường. Để mở những con đường mới, đường tránh, nhân dân nhiều địa phương đã rời làng xóm, nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường, dỡ nhà để lát đường cho xe ra tiền tuyến. Với quyết tâm không để một chiếc xe bị tắc trên địa phương mình, hàng chục con đường vòng, đường tránh đã được hình thành. Chiến thắng Đồng Lộc là một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh của lòng dân, của chân lý dân là gốc.
Hội thảo tập trung làm rõ những nội dung cơ bản: 1) Khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ Hà Tĩnh đối với mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 2) Phân tích, làm sáng rõ hơn về cuộc đụng đầu lịch sử giữa quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược trên mặt trận giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc. 3) Làm sáng rõ ý nghĩa lịch sử, những bài học, kinh nghiệm giá trị từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu của các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc đối với công cuộc đổi mới hiện nay. 4) Đánh giá những kết quả đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong phát giá trị di sản Ngã ba Đồng Lộc, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm Ngày hy sinh của 10 Nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; phát huy tinh thần, giá trị, khí phách của Chiến thắng Đồng Lộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, chiều 19/7, các đại biểu về dự hội thảo đã dâng hương và đặt vòng hoa tại Khu di tích Thanh niên xung phong toàn quốc; Khu mộ 10 Nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc./.
Đình Hưng - Tuấn Anh