"Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vui vẻ chỉ đạo như vậy tại một hội nghị có tính lịch sử - lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước cùng dự một cuộc họp Chính phủ thường kỳ.
Năm của những kỷ lục
Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch, mức cao nhất trong nhiều năm qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%.
Nhìn về trung hạn, điều đáng mừng là tăng trưởng GDP năm nay đã dứt bỏ thành công “cái phao” từ khai khoáng, dầu thô và cũng không phụ thuộc vào tín dụng. Thay vào đó, động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu.
Kết thúc năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chính thức xác lập kỷ lục mới khi đạt mốc 424,87 tỷ USD, xuất siêu 2,1 tỷ USD. Trong đó, năm tháng liên tiếp, xuất khẩu của Việt Nam đạt một “combo” mang tính khai phá là 19 tỷ USD, chưa từng có tiền lệ. Có chuyên gia đánh giá, đây là kỳ tích của thương mại Việt Nam.
Nói đến thành tựu 2017, không thể không nhắc đến bước ngoặt lớn trong việc xoay trục các mặt hàng nông sản chủ lực. Đó là chuyển từ ưu tiên số một là sản xuất lúa gạo sang những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...
Khép lại năm 2017, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,13 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 (32,1 tỷ USD). Đây cũng là kỷ lục mới của ngành nông nghiệp Việt Nam, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đầu năm là 32-33 tỷ USD.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. (Ảnh: TTXVN) |
Đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với 2016; mức tăng 3 triệu khách trong một năm được coi là kỳ tích tăng trưởng của ngành du lịch kể từ thuở khai sinh ngành công nghiệp không khói này ở Việt Nam. Tăng trưởng du lịch ấn tượng đến mức ngay cả Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Những chuyên gia du lịch, những nhà quản lý lạc quan nhất cũng không ai có thể tưởng tượng ra được".
Hai chỉ số nữa cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần ước đạt 35,88 tỷ USD, tăng 42,3%; giải ngân FDI đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Năm 2017 còn chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index liên tục phá đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm, VN-Index đạt 984,24 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Sự thăng tiến ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam đã khiến WB nâng mạnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017, dự kiến đạt 6,7%, bằng mục tiêu Chính phủ kỳ vọng và cao hơn so với dự báo 6,3% của chính tổ chức này đưa ra trước đó. Tới ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,7% cho cả hai năm 2017-2018, cao hơn so với lần công bố trước là 6,3% và 6,5%.
Đâu là căn nguyên của kỳ tích
Cần phải xem lại từ đầu thước phim về diễn biến kinh tế-xã hội của đất nước năm 2017 với những khởi đầu đầy trắc trở, “quyết liệt vượt vũ môn” mới có thể thấm thía và cảm phục sự ứng biến linh hoạt, quyết tâm chính trị rất cao của Thủ tướng và tập thể Chính phủ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân để “vượt rào” khó khăn, trở ngại, về đích với bảng vàng huy chương.
Vậy, căn nguyên, động lực tạo nên kỳ tích này là gì?
Còn nhớ, quý 1/2017, GDP chỉ tăng 5,15%, mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Con số dưới sàn này đã làm nhíu mày, nhăn trán các chuyên gia kinh tế. Đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng chia sẻ “hết sức lo lắng.”
Vào thời điểm khó khăn ấy, Chính phủ, Quốc hội đã phải dành thời gian đáng kể bàn vấn đề có nên hay không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay? Nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế đã không ngần ngại cảnh báo viễn cảnh GDP năm nay khó đạt mục tiêu Quốc hội thông qua.
Nếu như lực cản đầu năm là GDP thấp thì “vận hạn” cuối năm của nền kinh tế cũng mang tính kỷ lục đến từ thiên tai. Riêng 2017, có đến 16 cơn bão, bốn áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, gấp đôi bình thường và gây ra những dị thường thời tiết cực đoan. Bão lũ đã làm 367 người chết. Tổng thiệt hại vật chất xấp xỉ 60.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), nhiều nhất trong 5 năm qua.
Từ lũ ống, lũ quét ở miền núi phía bắc cho đến những cơn bão cấp 12 đổ bộ xuống các địa phương phía nam hàng chục năm không có bão như vừa qua cho thấy thiên tai đối với Việt Nam là hết sức khốc liệt và là những ẩn họa rất khó lường đối với mục tiêu tăng trưởng.
Bối cảnh ấy, Chính phủ đã làm gì để “vượt vũ môn”?
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả “vàng” của 2017 là nhờ các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ, trước khó khăn to lớn ấy, “dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam.”
Trên thực tế, từ phiên họp thường kỳ tháng Ba, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng phải coi việc nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng là quyết tâm chính trị, bởi có như vậy mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân.
Trước tình hình GDP quý 1 đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch. Rất nhiều ngành, địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
GDP liên tục tăng trưởng đều đặn qua các quý, là dấu hiệu khẳng định hiệu quả của những giải pháp được Chính phủ ban hành.
Phân tích những nguyên nhân làm nên kết quả kinh tế-xã hội 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định Chính phủ, chính quyền các địa phương đã “chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện;” “nhanh nhạy phát hiện, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những điểm nóng gây bức xúc xã hội trên tất cả các lĩnh vực và ở mọi vùng, miền của đất nước.”
Sau hơn 30 năm đổi mới, với sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5, kinh tế tư nhân lần đầu tiên được khẳng định là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa." Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Sức ảnh hưởng của văn kiện được xem là “mang tính căn bản của nhiệm kỳ” này đã tạo đà bứt phá ngoạn mục cho thành phần doanh nghiệp dân doanh mà con số trên 126.850 doanh nghiệp đăng ký mới - một kỷ lục mới, là minh chứng rõ nét, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Không chỉ có vậy, “công phá” điểm nghẽn thể chế, hỗ trợ tổng lực cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm vừa qua, đã có hơn 5.000 thủ tục hành chính, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được đơn giản hóa. Thành tích đặc biệt này đã được Thủ tướng biểu dương và coi đó như một biểu hiện “dũng cảm cắt bỏ quyền lực” của các bộ để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.
Một căn nguyên quan trọng khác, quyết liệt tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã lấy năm 2017 là năm giảm chi phí và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ thực thi chủ đề này. Đáng chú ý, trân trọng những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần/năm, giảm phiền hà để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi của năm vừa qua, phải kể đến sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, cùng với áp lực của truyền thông, thường xuyên truyền tải chỉ đạo của Thủ tướng đến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống. Nhờ đó, có tới 98,62% các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương được hoàn thành.
Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã tác động mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương.
Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả
Đánh giá về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2018, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu hàng đầu vẫn là tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh; tiếp tục cải cách thể chế; tiếp tục xóa bỏ các cơ chế, điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cận trên chỉ tiêu mà Quốc hội giao là từ 6,5-6,7% với chủ đề của năm 2018 xoay quanh 10 chữ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả.
“Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa đề vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra mà càng dần về sau càng khó hơn,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn như vậy với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vài ngày trước thời điểm cả nước bắt tay vào nhiệm vụ 2018.
Kỳ tích là đích để xô đổ. Kỷ lục là mốc để vượt qua. Chặng đường đến ước mơ không chỉ có hoa hồng. Hãy bắt tay ngay từ ngày đầu tháng, từ tháng đầu năm để quý sau cao hơn quý trước.
Trong suốt quá trình đó, quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển là cơ sở bắt buộc để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo lập những kỷ lục, kỳ tích mới vì sự phát triển phồn vinh của đất nước vì hạnh phúc của nhân dân./.
Quang Vũ (TTXVN)