NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM SÂU SẮC
Ngày 26/6/2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Chủ tịch Quốc hội
(cuối khóa XI). Thời gian làm việc ở Quốc hội khóa XI chỉ hơn một năm
nhưng kế thừa người tiền nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã
lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả
khóa. Trong một năm điều hành, Quốc hội đã thông qua 13 luật, 11 nghị
quyết, trong đó, có 3 nghị quyết rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử lớn
lao. Đó là Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành
lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; Nghị quyết về Phương án quy hoạch xây dựng nhà Quốc hội và
Nghị quyết về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia khí - điện -
đạm Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua 67 luật, 13 nghị
quyết. Trong đó có nhiều luật tạo cơ sở, nền tảng cho việc xử lý tham
nhũng, tiêu cực sau này như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ
luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình
sự, Luật Thi hành án dân sự...
Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bất
kỳ một công việc gì dù lớn hay nhỏ, Chủ tịch Quốc hội đều chỉ đạo chuẩn
bị chu đáo đến từng chi tiết cụ thể. Về tổng kết hoạt động của Quốc hội
khóa XI, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý hai nội dung
quan trọng là kết quả tổ chức hoạt động của Quốc hội và bài học kinh
nghiệm. Cho đến nay, kết quả hoạt động của mỗi khóa có thể khác nhau,
nhưng 7 bài học kinh nghiệm mà Chủ tịch Quốc hội đã rút ra của khóa XI
vẫn đúng hoàn toàn cho tất cả các khóa Quốc hội tiếp theo.
Đó là, mọi hoạt động của Quốc hội phải bám sát đường lối đổi mới toàn
diện của Đảng; có gần gũi, gắn bó với dân thì mới hiểu sâu sắc những
mong muốn, những yêu cầu của dân... Các kỳ họp Quốc hội phải tiến hành
dân chủ, thắng thắn với đầy đủ tính xây dựng. Chất lượng và hiệu quả
thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động
của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu
hoạt động chuyên trách.
Trong hoạt động lập pháp, việc ban hành được nhiều luật, pháp lệnh là
rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là luật, pháp lệnh phải có chất
lượng cao, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Trong hoạt động
giám sát, cơ sở pháp lý càng hoàn thiện thì hoạt động càng thuận lợi, có
hiệu quả; cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động giám
sát, nhất là đối với các đối tượng bị giám sát. Đặc biệt, sự đồng thuận,
thống nhất cao, cộng đồng trách nhiệm trong Quốc hội; sự phối hợp có
hiệu quả trong cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cử tri,
của nhân dân là sức mạnh tổng hợp góp phần vào thành công chung của Quốc
hội.
“ĐÚNG VAI - THUỘC BÀI”
May mắn được phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội 5 nhiệm kỳ
liên tiếp từ Quốc hội khóa IX đến Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường luôn nhớ
và rất tâm đắc với lời nhắc nhở nhẹ nhàng, sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội
khóa XII Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội được gói gọn trong 4
chữ “Đúng vai, thuộc bài”.
Thực tế cho thấy, trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc
hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có lúc, có nơi, biểu hiện “hành chính hóa”
các hoạt động của cơ quan dân cử đã xuất hiện. Hiện tượng “ăn cây nào
rào cây đó” hoặc “là cánh tay nối dài của cơ quan hành pháp” mà biểu
hiện là sự e dè, cả nể, né tránh đã tác động vào chất lượng phản biện,
tính khách quan, công bằng trong hoạt động thẩm tra, giám sát, xem xét
quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là quyết định
phân bổ ngân sách...
Với sự nhạy cảm của một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc
hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã sớm nhìn thấy những biểu hiện tưởng như
“bình thường” ấy, nhưng nếu không kịp thời uốn nắn thì hậu quả sẽ vô
cùng to lớn. Vì thế, trên nhiều diễn đàn và khi trực tiếp làm việc với
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã nhắc cần “Đúng vai, thuộc bài”, “Ủy ban Quốc
phòng và An ninh không phải là cánh tay nối dài của hai Bộ”.
“Chủ tịch Quốc hội giải thích cho chúng tôi thế nào là “đúng vai”,
thế nào là “thuộc bài” một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. “Đúng vai,
thuộc bài” không đơn giản chỉ là lời nhắc nhở, yêu cầu của người đứng
đầu cơ quan lập pháp khóa XII mà đó là phương châm hành động của Quốc
hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội”,
ông Lê Việt Trường nhấn mạnh.
TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT GIỮA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Là đại biểu Quốc hội được tham gia trong nhiệm kỳ khóa XI, XII, Phó
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry rất ấn tượng với
sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư khi đồng chí làm Chủ
tịch Quốc hội từ tháng 6/2006 đến đầu tháng 7/2011 với việc đổi mới,
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phát huy vai trò,
chức năng của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất
nước, mang tính tổng thể, toàn diện.
Theo bà Trần Thị Hoa Ry, qua 6 năm làm Chủ tịch Quốc hội, hơn 2 năm
làm Chủ tịch nước và 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm Tổng Bí thư của Đảng, với
chức năng, nhiệm vụ người đứng đầu, cùng với tập thể Đảng đoàn, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu
Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp to lớn trong việc cải
tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, để
lại dấu ấn rất đậm nét.
Cụ thể, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được đổi mới về quy
trình, bảo đảm tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần thể chế hóa
kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt, lĩnh vực phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nhân dân đồng tình,
ủng hộ cao.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho
Nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã
được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phải phù hợp với những giá
trị tốt đẹp của Việt Nam, vừa phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, đất
nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp nhiều
phương thức tổng hợp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội.
Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
Việc Quốc hội khóa XII giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri là
một điểm mới, mang lại hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng đất nước
ngày càng tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc
biệt là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án
quốc gia ngày càng có chất lượng hơn, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu
cầu của thực tiễn.
Đáng chú ý, các kỳ họp Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính
trị cuốn hút và những phiên họp thảo luận về các dự án luật, tình hình
kinh tế - xã hội, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, tâm
huyết. Hoạt động của Quốc hội đã làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa nhân
dân với Đảng, Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ
trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhắc lại phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi nhậm chức Chủ
tịch Quốc hội vào ngày 26/6/2006, khi lẩy hai câu Kiều “Nghĩ mình phận
mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh đã biết vuông tròn mà hay!”, Phó Chủ tịch Hội
đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, điều này cho thấy sự cẩn trọng,
khiêm tốn, cầu thị của đồng chí khi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan
trọng và cũng là lời hứa quyết tâm, trách nhiệm của mình với Đảng, với
Quốc hội, với nhân dân./.
PHAN PHƯƠNG (TTXVN)