Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu Lược ghi ý kiến Kết luận
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ
21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Thưa các đồng chí,
Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, Ban Chỉ đạo đã hoàn
thành các nội dung Phiên họp theo chương trình đề ra. Chúng ta đã nghe
đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo
trình bày Tờ trình tóm tắt nội dung các tài liệu Phiên họp; đã có 13
đồng chí phát biểu ý kiến và hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao công
tác chuẩn bị và cơ bản đều nhất trí, thống nhất với các nội dung tài
liệu; đồng thời có bổ sung, tham gia thêm nhiều ý kiến rất thẳng thắn,
trách nhiệm.
Sau đây, tôi xin nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề để kết thúc buổi làm việc hôm nay.
1. Nhìn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2021
Như chúng ta đều đã biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng
đại của đất nước. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều
diễn biến phức tạp, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nỗ lực
phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển
sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe
và đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, hoàn
thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là đã tổ chức rất thành công Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà
nước; tổ chức thành công nhiều hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai
thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiều sự kiện quan trọng
khác...
Trong bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, duy trì nền nếp, chỉ
đạo sâu sát, toàn diện các mặt công tác và với tinh thần không ngừng,
không nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống, không xử lý, mà ngược
lại làm ngày càng quyết liệt, bài bản, ngày càng có hiệu quả hơn, được
cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, đánh giá
cao.
Kết quả đó đã được thể hiện rõ, đầy đủ trong Báo cáo và Tờ trình phiên họp, có thể khái quát lại thành mấy điểm nổi bật sau:
Một là, đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ
trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung hoàn thiện
pháp luật, tạo khí thế mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay
trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chúng ta đã xây dựng, ban hành được nhiều văn bản rất quan trọng của
Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, trong đó đã kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các
chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21. (Ảnh: TTXVN)
Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị và báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương về việc
sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc của
Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; gắn công
tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là
phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để đi
sâu trị cả gốc lẫn ngọn tham nhũng với tinh thần không chỉ ngăn chặn,
đẩy lùi mà còn phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu
cực, tạo bước chuyển mới cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực thời gian tới.
Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 01 về việc tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh.
Cùng với đó tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cũng đã ban hành Kết
luận số 21 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII;
với tinh thần thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng Đảng cùng với xây dựng
hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, trong đó có nhiều
nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt hơn.
Tại Hội nghị này, Trung ương cũng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW,
ngày 25/10/2021 quy định về những điều đảng viên không được làm. Đây
chính là những căn cứ quan trọng để chúng ta làm tốt hơn nữa công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động ngăn ngừa các sai phạm, tiêu cực của
cán bộ, đảng viên.
Chính phủ cũng đã tích cực chuẩn bị, trình Quốc hội thông qua Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo
phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu,
Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật
Thi hành án dân sự;...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 144 nghị định, 40 quyết
định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn
thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần phòng
ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến để triển khai toàn diện các chủ
trương, Nghị quyết của Đại hội, của Trung ương với cách làm mới sáng
tạo, hiệu quả, như:
- Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5
năm thực hiện Chỉ thị số 05 và triển khai thực hiện Kế hoạch số 01 của
Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Ngày 15/9/2021, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các cơ
quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của
Đảng (đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị toàn quốc của tất cả
các cơ quan nội chính với quy mô và phạm vi lớn chưa từng có).
- Ngày 09/12/2021, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc
quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa
XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
Hai là, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, toàn
diện và đồng bộ hơn, tạo được đột phá mới trong công tác phát hiện, xử
lý tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ
việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm.
- Ban Chỉ đạo đánh giá cao vai trò và các hoạt động của Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đã rất quyết liệt kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức
đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo
theo dõi, chỉ đạo; qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều
cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong
lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước
(trong năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban
Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản
lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án,
vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm 4 Ủy viên, nguyên
Ủy viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 bí thư tỉnh ủy, 5 thứ trưởng,
nguyên thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3
nguyên phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 13 sỹ quan đương chức cấp tướng
trong lực lượng vũ trang).
- Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan
điều tra, truy tố, xét xử đã phối hợp chặt chẽ và vào cuộc kịp thời, xử
lý đồng bộ các vụ việc, vụ án; đã tạo được sự thống nhất cao trong việc
xử lý, không để tồn đọng, kéo dài (như các vụ án xảy ra tại Bình Dương,
Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế; Bộ Tư lệnh Cảnh sát
biển Việt Nam; Bộ đội Biên phòng…).
Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển hơn 330 vụ việc
có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy
định (tăng hơn 3 lần so với các năm trước đó: Năm 2018 chuyển 101 vụ,
năm 2019 chuyển 98 vụ, năm 2020 chuyển 102 vụ); trong đó nhiều vụ việc
chuyển cơ quan điều tra trước khi kết thúc quá trình thanh tra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Phiên họp thứ 21. (Ảnh: TTXVN)
- Trong năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725
vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham
nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là
390 vụ/1.011 bị can.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ
sau Phiên họp thứ 19 đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét
xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo;
khởi tố mới 10 vụ án/40 bị can, khởi tố thêm 103 bị can trong 20 vụ án.
Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra,
khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu,
sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (Có 10 cán bộ diện Trung ương
quản lý - Trong nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị
xử lý hình sự).
Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tiêu
cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và mới đây nhất là Vụ án vi
phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối
lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại
Công ty Việt Á, CDC Hải Dương,
các đơn vị, địa phương liên quan. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng,
liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, dư luận đặc biệt quan
tâm, và yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ để xử lý nghiêm.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về vấn đề này -
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm
vi phạm); các vụ án buôn lậu, đánh bạc, tham nhũng xảy ra tại Đồng Nai,
An Giang, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng một số tỉnh; các vụ án vi
phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy
ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, đã hoàn thành xét xử nhiều vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ; vụ án xảy ra tại Gang thép Thái
Nguyên; vụ án Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín xảy ra tại Tổng Công ty
Sabeco; vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm; 2 vụ án xảy ra tại dự án
cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm; vụ án xảy
ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI)...
Ba là, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tiếp tục có chuyển biến tích cực:
Đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn
giao dịch tài sản trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến
nay, đã thu hồi được hơn 31 nghìn tỷ đồng (đạt 33,33%); trong đó, năm
2021 thu được trên 9.000 tỷ đồng. Nhất là, đã thu hồi được được số tiền
2,652 triệu USD và 126.749 đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài
(vượt xa số tiền thu được trong năm 2020 là gần 1.900 tỷ đồng trong
giai đoạn thi hành án).
Bốn là, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan nội chính được đẩy mạnh.
Các cơ quan chức năng trong Công an, Quân đội đã chủ động phát hiện
sai phạm, xử lý kỷ luật 98 cán bộ, chiến sỹ do tham nhũng, tiêu cực hoặc
liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân
tối cao khởi tố, điều tra 26 vụ án/32 bị can về tội tham nhũng, tiêu
cực trong hoạt động tư pháp.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán cũng có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý
kỷ luật, xử lý hình sự do tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức,
lối sống (2 Chánh thanh tra cấp tỉnh bị kỷ luật (Hà Nội, Lào Cai); 1 cán
bộ Thanh tra Chính phủ bị xử lý hình sự; 4 bị cáo nguyên cán bộ thanh
tra Bộ Xây dựng bị Tòa án tuyên phạt tù; Kiểm toán nhà nước xử lý kỷ
luật 8 đảng viên…).
Đặc biệt là, từ chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức
năng đã kiểm tra, xem xét lại việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
cho Phan Sào Nam, đến nay đã xử lý trách nhiệm đối với 10 tổ chức đảng,
24 cá nhân; đã điều tra, xử lý nghiêm hành vi "chạy án" của một số cán
bộ trong lực lượng chống tham nhũng (khởi tố 2 cán bộ C03 Bộ Công an);
đã chỉ đạo kiên quyết, điều tra, xử lý nghiêm việc để Phan Văn Anh Vũ bỏ
trốn ra nước ngoài (Nguyễn Duy Linh bị tuyên 14 năm tù về tội nhận hối
lộ).
Đây là kết quả rất quan trọng, thể hiện rõ quan điểm của chúng ta,
xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng
chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật như tôi đã
nhiều lần nói "phải chống tham nhũng ngay trong chính các lực lượng
chống tham nhũng".
Năm là, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa
phương có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng
"trên nóng, dưới lạnh."
Đến nay, 100% các địa phương đã có khởi tố, xử lý các vụ án tham
nhũng; nhiều địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm
nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã
hội quan tâm như Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh,
Phú Yên, Hà Nội, Sơn La…
Trong năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra,
xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã thi
hành kỷ luật đối với 223 tổ chức đảng và 20.257 đảng viên (tăng 36 tổ
chức đảng, 2.188 đảng viên so với năm 2020), trong đó có 618 đảng viên
bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm
2020).
Ngành Thanh tra, Kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh
vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; qua thanh tra, kiểm toán đã
kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến
nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân (tăng 175 tập thể
so với năm 2020).
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, nghiêm túc kiểm điểm và nhìn
nhận công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta
vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức rất lớn, đó là:
1) Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý
nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh
vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã
nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ,
đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn
lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...
2) Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở
trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết,
liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ
tham nhũng đã có thể làm tha hóa cả một hệ thống với số lượng lớn cán
bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm
trọng.
3) Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham
nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề
nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sỹ công
an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý. Chính vì
vậy mà Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây
dựng chuyên đề "Quy định về giám sát quyền lực trong các cơ quan nội
chính".
4) Về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám
định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến
chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao...
Những tồn tại, thách thức trên đây cần được Ban Chỉ đạo xem xét một
cách thấu đáo, để từ đó có trách nhiệm đóng góp đề xuất các giải pháp
hiệu quả vào việc đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu
cực; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
2. Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022
Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng; đất nước ta tiếp tục đứng trước những thời
cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen; dịch COVID-19 còn
diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài; tình hình tham nhũng, tiêu cực
trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, có mặt còn phức tạp, tinh vi
hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN)
Do đó, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với
những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là
phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên
quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý
nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.
Qua thảo luận, các đồng chí đều cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ
trọng tâm và các nội dung công việc cụ thể trong dự thảo Chương trình
công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo; tôi xin lưu ý, nhấn mạnh thêm một số
nhiệm vụ sau:
1) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn
thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ,
kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn
thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát
tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
2) Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh
tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham
nhũng; thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý sai
phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên
có sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo
dõi, chỉ đạo.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các ngành, các địa phương và một
số chuyên đề: (i) Về tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến
nghị khởi tố các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. (ii) Công tác giám định,
định giá tài sản. (iii) Một số cuộc kiểm tra khác về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
3) Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ
việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan
tâm, nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban
Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ án, vụ việc tại Khánh Hòa, Thành phố
Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Cảnh sát Biển, Bộ đội biên phòng...
Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm (mà báo cáo đã
nêu).
4) Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xử lý nghiêm các sai
phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám
định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng.
5) Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm
chính, không tiêu cực, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân, trước hết là thực hiện trách nhiệm nêu gương của các đồng chí trong
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thành
viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và
người đứng đầu các cấp.
Xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ
quan, đơn vị để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực.
6) Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc tổng kết Chiến lược quốc gia
về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước
Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); đề án thành lập Ban Chỉ đạo
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và các đề án, chuyên đề khác
theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
3. Về Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Qua thảo luận, các đồng chí cơ bản đồng tình, nhất trí cao với các
nhiệm vụ, công việc cụ thể trong Kế hoạch cũng như tiến độ và phân công
thực hiện; đồng thời góp ý một số nội dung cụ thể.
Giao cho Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện dự
thảo Kế hoạch, trình ký ban hành để kịp triển khai ngay từ đầu năm nay.
4. Về những kiến nghị, đề xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo:
Chúng ta thống nhất với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong Tờ
trình và Báo cáo về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án trình Ban
Chỉ đạo tại Phiên họp này. Cụ thể là:
4.1. Thống nhất kế hoạch để kết thúc việc điều tra, truy tố, xét xử
các vụ án; kết thúc việc xác minh, giải quyết các vụ việc năm 2022 như
Tờ trình và các kiến nghị, đề xuất trong Báo cáo về kết quả chỉ đạo, xử
lý các vụ án, vụ việc trình Ban Chỉ đạo tại Phiên họp này.
4.2. Ban Chỉ đạo kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 4 vụ việc
thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết
theo quy định của pháp luật.
4.3. Đồng ý giao cho Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan thường trực
Ban Chỉ đạo phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Đề án, Tờ trình
báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho phép thành lập
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc các tỉnh ủy, thành
ủy trực thuộc Trung ương.
4.4. Thống nhất ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác
phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ
Chính trị.
Giao cho Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện,
ban hành các văn bản chính thức để triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ
đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện từng nội dung công việc cụ
thể.
Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần sắp đến, tôi chúc
các đồng chí và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an
khang và thắng lợi!"./.
TTXVN