Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 22/5/2009 8:27'(GMT+7)

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, QH khóa XII

Cử tri phát biểu ý kiến với đại biểu Quốc hội

Cử tri phát biểu ý kiến với đại biểu Quốc hội

1. Về việc thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân

Tình hình suy thoái kinh tế thế giới tác động vào nền kinh tế nước ta, dẫn đến sản xuất công nghiệp khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp cả trong nước và xuất khẩu; nhiều nhà máy, xí nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc phải ngừng sản xuất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh bị giảm sút, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm ngày càng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương... Trong khi đó, việc thống kê đánh giá số người mất việc làm tại các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh của các cơ quan chức năng còn thiếu chính xác, không thống nhất, dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Cử tri nói chung, cử tri khu vực sản xuất, kinh doanh nói riêng rất hoan nghênh chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Chính sách này bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Nhiều cơ sở được vay vốn đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên việc triển khai ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi thủ tục còn phiền hà. Nhiều cử tri băn khoăn cho rằng, nếu các cơ quan chức năng kiểm soát không tốt thì nguồn vốn này dễ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để vay và sử dụng không đúng mục đích, thu lợi bất chính, trái với chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Theo phản ánh của Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu vay nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng nhà ở của nhân dân khu vực nông thôn và các hợp tác xã rất lớn; tuy nhiên còn nhiều người có nhu cầu nhưng chưa được vay. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên mở rộng hơn nữa đối tượng được vay, tăng thời hạn được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, nông thôn và chăm lo cho nông dân, tuy nhiên các chính sách đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; sự phân hóa giàu nghèo vẫn đang diễn ra ở tốc độ nhanh. Tình hình thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf ở nhiều địa phương chưa hợp lý dẫn đến quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; nhiều đơn vị được giao đất để triển khai dự án nhưng không triển khai mà để hoang hóa hoặc sử dụng trái mục đích, mua đi, bán lại, gây bất bình trong nhân dân. Trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề hoặc chưa có phương án đào tạo nghề, dẫn đến thất nghiệp gia tăng, tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp liên quan đến đất đai vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, có nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tổ chức điều tra, khảo sát để có đánh giá một cách khách quan về thực trạng đời sống nhân dân do tác động của suy giảm kinh tế và sớm có những giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng trên.

Cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh chủ trương của Chính phủ về việc trợ cấp cho hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ðây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc của Ðảng và Nhà nước. Tuy nhiên khi tổ chức thực hiện, ở nhiều địa phương lại để xảy ra những sai phạm rất đáng tiếc. Một số nơi thực hiện tùy tiện, tắc trách, thiếu dân chủ; còn nhiều người nghèo chưa được hưởng hoặc được hưởng nhưng nhận được quá chậm, thậm chí còn bị bớt xén... Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ và chính quyền các cấp cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc những người có hành vi vi phạm.

2. Vấn đề sản xuất công nghiệp, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản và vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại kỳ họp thứ 4 và các kỳ họp trước đây, cử tri và nhân dân đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải trong sản xuất đã và đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết đến nơi đến chốn. Một số doanh nghiệp vi phạm nhưng thiếu trách nhiệm trước hậu quả do mình gây ra, tìm mọi cách để lảng tránh trách nhiệm đền bù, khắc phục hậu quả thiệt hại cho nhân dân.

Cử tri phản ánh tình trạng thiếu điện thường xuyên ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, đồng thời kiến nghị xem xét lại việc vừa tăng giá điện đồng thời lại giảm chỉ số sử dụng điện ở bậc thang thứ nhất từ 0 - 100 kW/h xuống 0 - 50 kW/h, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng, làm cho đại bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều bởi tăng giá điện. Nhiều cử tri là lãnh đạo các doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng cách tính giá điện theo giờ cao điểm như quy định của Bộ Công thương là chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kiến nghị xem xét lại quy định này theo hướng hạn chế giờ cao điểm ban ngày, tăng số lượng giờ cao điểm ban đêm.

Việc di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện gặp nhiều khó khăn do công tác đền bù, hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân còn nhiều bất cập. Một số công trình tái định cư không bảo đảm; diện tích đất ở, nhà ở còn quá nhỏ, bố trí liền kề nhau; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tập trung không phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương, dẫn đến việc người dân không yên tâm với nơi ở mới. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng tập trung đầu tư phát triển sản xuất bền vững cho các hộ tái định cư và các hộ sở tại bị ảnh hưởng; chú trọng việc chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; cần sớm kiểm tra, thanh tra công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng cấm; khai thác vàng sa khoáng, cát xây dựng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố làm hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên của đất nước, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống nhân dân địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm ha rừng bị phá, hàng nghìn mét khối gỗ bị chặt phá trái phép tại các địa phương như Lục Yên (Yên Bái), Quỳnh Nhai, Thuận Châu (Sơn La), Ðăk Song (Ðác Nông)... Cử tri và nhân dân hết sức phẫn nộ với các hành vi coi thường pháp luật, công khai truy sát lực lượng kiểm lâm của "lâm tặc" xảy ra tại các tỉnh như Quảng Nam, Ðác Lắc, Bình Ðịnh... Cử tri và nhân dân cũng rất bất bình với hành vi tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng bừa bãi của một số cán bộ, nhân viên kiểm lâm ở một số địa phương như ở các huyện Hiệp Ðức, Nam Giang (Quảng Nam), Sơn Hà (Quảng Ngãi)... hoặc hiện tượng buông lỏng quản lý của một số địa phương, lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao-su để phá rừng hàng loạt thời gian qua. Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách và biện pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết tình trạng trên.

Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề khai thác quặng bô-xít ở các tỉnh Tây Nguyên và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và các địa phương hữu quan thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị để vừa xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái và môi trường văn hóa; nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội cần đưa vào chương trình hằng năm và toàn khóa để giám sát chặt chẽ vấn đề này.

Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc có nguồn gốc xuất xứ nhưng không bảo đảm chất lượng, thực phẩm có độc tố vẫn được lưu hành rộng rãi, tràn lan trên thị trường; tình trạng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra phổ biến; các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra liên tiếp, có trường hợp hàng chục, hàng trăm người bị ngộ độc, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Dịch cúm A/H1N1 bùng phát và lan rộng ở nhiều nước, nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn, gây lo lắng cho nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua của các ngành chức năng tuy khá tích cực nhưng nhiều vi phạm chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Ðông đảo cử tri và nhân dân bức xúc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, các cấp chính quyền sớm có những biện pháp tích cực nhằm ứng phó và xử lý những vấn đề nêu trên; mặt khác cũng cần xem xét tăng ngân sách cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vì ngân sách chi cho công tác này còn ít; đồng thời kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.

3. Vấn đề giáo dục, đào tạo

Trong những năm gần đây Ðảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục cũng đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều cuộc vận động do ngành giáo dục đề xuất và triển khai thực hiện đã và đang phát huy tác dụng tích cực cho sự nghiệp đổi mới toàn diện ngành giáo dục. Tuy nhiên hiện nay ngành giáo dục vẫn còn nhiều bất cập như:

Ðội ngũ giáo viên vừa yếu, vừa thiếu, nhất là vùng sâu, vùng xa. Không ít giáo viên đạt chuẩn về bằng cấp nhưng không đạt chuẩn về trình độ trên thực tế; phương pháp giảng dạy yếu, không phát triển được năng lực tư duy của học sinh. Việc tuyển dụng vào biên chế giáo dục cũng có những bất cập, ở một số nơi, sinh viên tốt nghiệp ra trường tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm có chất lượng tốt hơn nhưng không được tuyển vào biên chế, trong khi đó những học viên tốt nghiệp ở các cơ sở liên kết đào tạo chất lượng thấp thì lại được tuyển dụng. Nhiều nơi chưa thật sự quan tâm đến hệ thống giáo dục mầm non nên cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp; chế độ đối với giáo viên mầm non thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung nhưng chậm được sửa đổi.

Nhiều cử tri cho rằng chương trình giáo dục phổ thông còn quá nặng, nhất là đối với các em ở bậc tiểu học; sách giáo khoa thiếu ổn định và có nhiều sai sót, gần như năm học nào cũng có những điều chỉnh gây lãng phí ngân sách của Nhà nước và tiền bạc của nhân dân. Bên cạnh đó, hiện tượng chạy trường, chạy lớp, dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra tại nhiều địa phương nhất là các thành phố lớn. Công tác chỉ đạo, tổ chức thi cử nặng nề, hình thức, hiệu quả thấp, gây nhiều khó khăn cho học sinh và phụ huynh nhưng chậm được khắc phục.

Sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh đang có chiều hướng gia tăng; việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường nhiều nơi bị buông lỏng, tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương. Một số giáo viên chạy theo lối sống thực dụng, vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của người giáo viên. Việc mở thêm quá nhiều trường đại học, cao đẳng ở các địa phương nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy thiếu thốn, lạc hậu, nhất là thiếu giảng viên đủ tiêu chuẩn dẫn đến nhiều giảng viên "chạy sô", ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.

Nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng về dự kiến tăng học phí, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm như hiện nay và kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng về thời điểm tăng học phí, đồng thời cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và nâng mức giảm học phí hơn nữa đối với con em các hộ nghèo và khu vực nông thôn. Nhiều cử tri không đồng tình với việc cổ phần hóa các trường đại học công và kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương về tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập và xã hội hóa các dịch vụ giáo dục, đào tạo. Cử tri khu vực miền núi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt chính sách cử tuyển, nhất là chế độ quản lý, sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi ra trường; đồng thời quan tâm hơn nữa đến loại hình trường "bán trú dân nuôi" ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục; cần coi trọng và lắng nghe những ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục tâm huyết để xây dựng nội dung, chương trình giáo dục, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục ở các cấp bảo đảm khoa học, phù hợp với sự phát triển của con người Việt Nam và yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong thời kỳ mới.

4. Vấn đề an toàn giao thông, trật tự đô thị

Trong những năm qua Chính phủ và các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã có những biện pháp chỉ đạo và tuyên truyền, vận động tích cực trong việc thực hiện kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp; số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương không giảm, đặc biệt là vụ đắm đò trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, vụ lật xe tại đèo Ðại Ninh, tỉnh Bình Thuận... mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông; một số phương tiện giao thông đã qua kiểm định của cơ quan chức năng nhưng vẫn không bảo đảm chất lượng. Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tình trạng không tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông hoặc cố ý sử dụng các phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn, những tiêu cực trong việc kiểm định các phương tiện giao thông.

Tình trạng ngập úng đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục tái diễn; nạn ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng; nạn đào đường vẫn xảy ra thường xuyên, một số tuyến phố bị đào lên, lấp xuống nhiều lần gây lãng phí rất lớn, nhiều tuyến đường thi công quá chậm gây trở ngại cho việc đi lại, sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các cấp sớm giải quyết tình trạng trên.

5. Vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến bước đầu; tuy nhiên tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tham nhũng bị đưa ra ánh sáng được nhân dân đồng tình hoan nghênh và quan tâm theo dõi, tuy nhiên một số vụ các cơ quan chức năng để kéo dài hoặc việc xử lý chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm giảm lòng tin trong nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng liên quan đến việc giao và sử dụng đất khá phổ biến. Ðể phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này có hiệu quả, cử tri kiến nghị Chính phủ rà soát tổng thể các dự án đã được giao đất; đối với những dự án quá thời hạn quy định của pháp luật mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện cần kiên quyết thu hồi và làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc phê duyệt, cấp phép dự án.

Trong lúc cả nước đang gồng mình để kiềm chế lạm phát, đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn thì còn nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương tổ chức khai trương, động thổ, hội nghị tổng kết, biểu dương, lễ hội tốn kém, phô trương, hình thức. Tình trạng các cơ quan dùng hàng nhập ngoại để tiếp khách hoặc trang bị cho các phòng làm việc; cán bộ lãnh đạo đi xe ô-tô vượt quá tiêu chuẩn quy định, gây bức xúc trong nhân dân.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn, có chính sách rõ ràng hơn, phù hợp hơn, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, sử dụng tài sản công... Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát lĩnh vực này.

6. Về công tác xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật. Số dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại mỗi kỳ họp nhiều hơn so với trước đây. Và tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 12 dự án luật, một nghị quyết và cho ý kiến vào 6 dự án luật. Ðó là một cố gắng rất lớn của Quốc hội trong điều kiện thời gian kỳ họp được rút ngắn hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng công tác lập pháp vẫn chưa thể hiện được tầm nhìn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm tới, do vậy tính ổn định thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội; nhiều vấn đề bức xúc trong thực tiễn đòi hỏi phải có luật pháp điều chỉnh nhưng chậm được ban hành hoặc chậm được bổ sung, sửa đổi như các lĩnh vực về đất đai, nhà ở, thuế, đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản... Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng luật khung; giảm dần những điều khoản giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành quy định; đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật.

Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu trong các tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, cử tri cả nước hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về một số giải pháp về thuế nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế... Tuy nhiên một số chương trình kinh tế-xã hội triển khai còn chậm như chương trình xây dựng phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, chương trình xây dựng bệnh viên đa khoa tuyến huyện và khu vực sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; chương trình hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; chương trình hỗ trợ cho người nghèo làm nhà ở... Ðặc biệt, việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo, y tế thôn, bản đối với một số khu vực khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số quá chậm; quyết định của Thủ tướng thực hiện chủ trương này chỉ trong 3 năm (2008 - 2010) nhưng từ tháng 2 năm 2008 đến nay đã gần một năm rưỡi mà một số bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Ðông đảo cử tri kiến nghị Chính phủ kiểm tra và chỉ đạo thực hiện đến nơi đến chốn các chính sách đã được ban hành; đồng thời, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn điều hành nền kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là về thủ tục hành chính, thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành công vụ để kịp thời ban hành những giải pháp, cơ chế sát hợp, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy kinh tế phát triển, đáp ứng sự mong đợi của đông đảo nhân dân.

Một số vấn đề bức xúc tại các kỳ họp trước cử tri đã kiến nghị, nay đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giải quyết như: chế độ đối với lực lượng thanh niên xung phong trước đây, nhất là những người được huy động mà không có đơn vị, phiên hiệu cụ thể; chế độ đối với cán bộ chủ chốt các Hợp tác xã nông nghiệp thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do chuyển đổi cơ chế mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước; điều đáng lưu ý là cả hai đối tượng này phần lớn đều đã già yếu, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ðồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức phần liên quan đến cán bộ xã, phường, thị trấn theo hướng quan tâm hơn nữa đến chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ cơ sở...

Trên đây, là báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII. Ðề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri, nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và giám sát.

CTV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất