“Cách mạng là sáng tạo” (Lenin), “Sao chép trong đời sống, trong cuộc cách mạng không bao giờ tốt cả” (Fidel Castro) - thực tiễn lịch sử và đời sống đều khẳng định những điều đó. Những gì đã diễn ra ở Việt Nam trong tháng 8-1945 càng khẳng định những điều đó.
Sáng tạo xây dựng lực lượng, đón đúng thời cơ
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng - lực lượng tổng hợp, kết hợp sức mạnh của nhiều lực lượng cụ thể: lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng....
Đông đảo quần chúng thuộc nhiều tầng lớp được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc; Công nhân cứu quốc; Thanh niên cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Phụ lão cứu quốc; Văn hóa cứu quốc... đã làm cho Việt Minh phát triển ngày càng rộng rãi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng xây dựng được khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những cuộc đấu tranh. Đây là yếu tố quan trọng nhất để Đảng có thể lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa của đông đảo quần chúng nhân dân.
Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa, hình thành và phát triển lực lượng vũ trang. Cho đến trước những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lực lượng vũ trang cách mạng đã đủ sức đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích, hỗ trợ lực lượng chính trị của quần chúng. Hoạt động của lực lượng vũ trang tập trung, của các đội du kích, của các đội tự vệ tuyên truyền bán vũ trang... sôi nổi, rộng khắp trong cả nước đã tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, tạo tiền đề trực tiếp cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Từ khi về nước (tháng 1-1941), trực tiếp lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đặt mối liên hệ với Đồng minh chống phát-xít cho cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại. Người đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh. Đây là điều mới của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới. Đây cũng là sáng tạo lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho cách mạng.
Khi thời cơ lịch sử đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1994), Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.196). Lời kêu gọi của Người như tiếng súng lệnh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên theo tiếng gọi thiêng liêng của khí phách núi sông, giành lại độc lập thành công.
Sáng tạo ứng phó với các tình huống
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổi lên những đường nét sáng tạo đặc sắc khi tiến hành khởi nghĩa ở các địa phương. Đó là sự táo bạo, kiên quyết trong việc nắm thời cơ và phát động khởi nghĩa, là sự linh hoạt vận dụng những hình thức đấu tranh đa dạng phù hợp với những diễn biến tình hình cụ thể tại chỗ lúc đó, là sự nhạy bén, năng động ứng phó với những diễn biến bất ngờ trong khi tiến hành khởi nghĩa…
Ở nhiều nơi, các Ủy ban khởi nghĩa đã táo bạo chỉ đạo chiếm diễn đàn các cuộc mít-tinh do địch tổ chức, biến các cuộc mít-tinh này thành các cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh. Nhiều cuộc chiếm diễn đàn mít-tinh đã chuyển thành cuộc đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền một cách mau lẹ. Các cuộc chiếm diễn đàn mít-tinh diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là ở Hà Nội ngày 17-8, ở Khánh Hòa ngày 19-8, ngày 20-8 ở tỉnh Ninh Thuận, Đác Lắc, Bạc Liêu…
Ở Đông Dương khi đó, lực lượng quân đội Nhật vẫn có sức chiến đấu mạnh, với đầy đủ vũ khí. Đối sách của ta đối với quân Nhật là trung lập và vô hiệu hóa lực lượng này. Ở nhiều nơi, Ban chỉ huy khởi nghĩa cử đại diện đến giải thích rõ chủ trương của Việt Minh không tấn công quân Nhật nếu quân Nhật không can thiệp vào khởi nghĩa của nhân dân. Nhờ có đối sách đúng và các biện pháp đối phó có hiệu quả nên ta đã hạn chế được tối đa phản ứng tiêu cực của quân Nhật. Tuy nhiên vẫn có nơi xảy ra những tình huống ngoài dự kiến.
Trong ngày khởi nghĩa ở Hà Nội, quân Nhật sợ ta chiếm Trại bảo an binh và thu được vũ khí ở đây sẽ quay lại tiến công chúng. Tình huống trở nên căng thẳng khi Nhật đưa xe tăng và binh lính tới đòi thu vũ khí lực lượng của ta. Ủy ban khởi nghĩa đã cử đại diện đến Bộ chỉ huy quân Nhật thuyết phục lực lượng này tôn trọng những quyết định của nhân dân Việt Nam. Cuộc thương lượng khéo léo thành công đã giải toả được cuộc bao vây của quân Nhật. Nếu để xảy ra xung đột, tình huống sẽ rất phức tạp, cực kỳ nguy hại cho cuộc khởi nghĩa. Khi đó lực lượng Quân đoàn 38 của Nhật, với hơn một vạn quân đầy đủ vũ khí đóng giữ quanh Hà Nội vẫn có thể nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa với nhiều lý do: để tự vệ, để giữ gìn trật tự chờ quân Đồng minh tới... Việc tránh được xung đột với quân đội Nhật đã hoàn thiện bức tranh thắng lợi triệt để, nhanh gọn và không đổ máu của cuộc khởi nghĩa ở Thủ Đô. Đây cũng là nét ứng biến sáng tạo độc đáo của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội khi đối diện với tình huống bất lợi trong lúc tiến hành khởi nghĩa.
Ở nhiều huyện, tỉnh, dù Lệnh Tổng khởi nghĩa chưa tới nhưng Ban chỉ huy khởi nghĩa đã kịp thời vận dụng tinh thần của Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12-3-1945) nhạy bén, sáng tạo phát động nhân dân khởi nghiã và giành chính quyền thành công.
Âm hưởng thành công của cuộc khởi nghĩa vang dội ở Hà Nội còn lan nhanh theo đường bưu điện. Ngay sau khi giành chính quyền thắng lợi, chiều 19-8, đồng chí Trần Tử Bình, Thường vụ Xứ ủy, đã dùng điện thoại gọi tới trụ sở các tỉnh khác thông báo Hà Nội đã khởi nghĩa thành công và yêu cầu những người đứng đầu nhiệm sở ở đó trao chính quyền cho nhân dân. Cách mạng Tháng Mười năm 1917 ở Nga được ví là “Cuộc cách mạng điện tín”, “lan nhanh như mồi thuốc súng” (Lenin). Ký giả John Reed (Mỹ) viết bút ký nổi tiếng Mười ngày rung chuyển thế giới (1919). Còn ở Việt Nam trong Tháng Tám năm 1945, nhà sử học Pháp Henri Aza viết trong tài liệu Chín ngày rung chuyển Đông Dương: “Khi Đồng minh đến, Việt Minh có mặt ở khắp mọi nơi. Duy nhất có nước Pháp vắng mặt lúc điểm danh. Chính phủ Pháp phản ứng không nhanh bằng ông Hồ...
... Ngày 13-8 người ta mới ký lệnh thả xuống Đông Dương một bộ xậu: Cedile xuống miền nam, Metxme xuống miền bắc làm Ủy viên nước Cộng hòa Pháp. Từ ngày ký đến ngày thực hiện lệnh này là chín ngày (từ ngày 13-8 đến 22-8). Chín ngày ấy là những ngày cốt yếu về chính trị, rung chuyển toàn bộ Đông Dương. Toàn bộ quỹ thời gian này đều trong tay ông Hồ điều khiển” (Tư liệu Viện Hồ Chí Minh, Việt Minh Hoàng Diệu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.475)
*
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học sáng tạo. Đó là bài học sáng tạo khi xây dựng đồng thời không ngừng củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực; sáng tạo khi chủ động và năng động mở rộng các mối quan hệ quốc tế, tăng thêm ngoại lực cho cách mạng; sáng tạo, nhạy bén nắm bắt chọn đúng thời cơ và ứng phó kịp thời với các diễn biến mới của tình hình...
Những bài học sáng tạo từ cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc cách đây 72 năm vẫn còn nhiều điều để chúng ta nhìn nhận và vận dụng hôm nay trước thời cơ và nguy cơ, trước vận hội và thách thức.
TS. Ngô Vương Anh/Nhân dân