Ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã quyết định bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với Nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc cộng với Đức).
Trong bài phát biểu về chiến lược mới của chính quyền Mỹ đối với Iran, ông Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm của ông coi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là "Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015 dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama là "một trong những thỏa thuận tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký" đồng thời chỉ trích Iran "nhiều lần vi phạm thỏa thuận này" và "không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận".
Ông Trump nhấn mạnh Mỹ "không thể và sẽ không xác nhận" Iran đã tuân thủ JCPOA.
Tuyên bố mới của người đứng đầu Nhà Trắng không có nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ở thời điểm hiện tại. Một lần nữa, Tổng thống Mỹ lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.
Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Tehran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Ông Trump cho biết chính quyền sẽ làm việc với Quốc hội và các nước đồng minh để xử lý "những lỗi nghiêm trọng của thỏa thuận" và trong trường hợp các nỗ lực thất bại, ông có thể rút lại sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận này.
Trước đó, cùng ngày, cả Nga và Đức đều đã bày tỏ quan ngại về hậu quả nếu Mỹ rút khỏi JCPOA. Điện Kremlin tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực, chắc chắn sẽ gây tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới".
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh Đức có lợi ích lớn trong việc duy trì sự đoàn kết quốc tế mà cụ thể ở đây là thỏa thuận hạt nhân Iran./.
(TTXVN)