Ngày 14/1, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố Israel đã "chấm
dứt" thỏa thuận hòa bình Oslo bằng hành động của mình, đồng thời khẳng
định sẽ chỉ chấp thuận một ủy ban được quốc tế công nhận rộng rãi để làm
trung gian hòa giải với Israel, dù không loại trừ vai trò của Mỹ trong
thành phần ủy ban này.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị kéo dài 2 ngày của Hội đồng Trung ương
Palestine - cơ quan ra quyết định cấp cao nhất của người Palestine, nhằm
thảo luận về các chiến lược tương lai, Tổng thống Abbas cũng chỉ trích
những nỗ lực của người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong vấn đề hòa bình
Trung Đông là "cú tát thế kỉ" sau khi Nhà Trắng công nhận Jerusalem là
thủ đô của Israel. Theo Tổng thống Abbas, người Palestine không chấp
nhận "thỏa thuận cuối cùng" với người Israel mà Tổng thống Trump đã cam
kết sẽ đạt được.
Cuộc họp của ban lãnh đạo Palestine, với 95 thành viên tham dự, diễn ra
trong bối cảnh tuyên bố về quy chế đối với Jerusalem của Tổng thống Mỹ
hôm 6/12 đã khiến người Palestine nổi giận. Tổng thống Abbas khi đó đã
tuyên bố Mỹ có thể không còn đóng vai trò nào trong tiến trình hòa bình
Trung Đông.
Theo Tổng thống Palestine, hội nghị lần này cần phải đưa ra quyết định
về cách thức tiến lên phía trước bởi hiện tại không còn thỏa thuận Oslo
nữa. Năm 1993, chính phủ Israel và Phong trào Giải phóng Palestine (PLO)
đã kí kết một thỏa thuận tại Oslo, Na Uy, theo đó đánh dấu sự khởi đầu
tiến trình hòa bình tại Trung Đông, với việc thành lập Chính quyền
Palestine và lên kế hoạch cho một giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc
xung đột với người Israel.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald
Trump có khả năng sẽ giữ lại hàng chục triệu USD - khoảng một nửa trong
tổng số tiền đóng góp đầu tiên của năm cho ngân sách hoạt động của Liên
hợp quốc nhằm hỗ trợ người tị nạn Palestine. Theo một quan chức Mỹ giấu
tên, hiện Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng
có thể chỉ 60 triệu USD trong tổng số 125 triệu USD theo kế hoạch, sẽ
được chuyển tới Tổ chức cứu trợ và công trình LHQ cho người tị nạn
Palestine vùng Cận Đông. Cũng theo nguồn tin, để Washington tiếp tục
viện trợ trong tương lai, tổ chức này cần có sự thay đổi lớn trong hoạt
động. Ngoài ra, người Palestine cũng cần phải đồng ý nối lại đàm phán
hòa bình với Israel.
Hiện Mỹ là nước tài trợ lớn nhất của cơ quan của Liên hợp quốc với
khoảng 30% tổng ngân sách, chủ yếu hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức
khỏe, giáo dục và xã hội cho người Palestine ở Bờ Tây, Dải Gaza, Jordan,
Syria và Liban./.
(TTXVN)