Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm cấp nhà nước Trung Quốc từ 5 - 8/4, ba năm sau chuyến thăm đầu tiên và chỉ 5 tháng sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.
So với các thời điểm trước, chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Pháp diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn rất nhiều. Cuộc xung đột Ukraine và những đám mây đen phủ bóng quan hệ Mỹ - Trung Quốc đòi hỏi ông Macron
phải xử lý quan hệ với Bắc Kinh một cách tế nhị để bảo vệ được quyền lợi
của Paris và châu Âu, đồng thời không để ảnh hưởng đến quan hệ đồng
minh với Washington.
Trung thành với cách tiếp cận nhất quán từ khi lên nắm quyền, Tổng
thống Macron đã mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der
Leyen cùng tới Bắc Kinh. Dụng ý của Pháp là thể hiện sự thống nhất trong
nội bộ châu Âu trong cách tiếp cận với Trung Quốc, đưa quan hệ
Pháp-Trung lên tầm vóc châu Âu.
Trong các chuyến thăm trước, Pháp đã mời lãnh đạo châu Âu tham gia các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc.
Năm 2019, Chủ tịch EC khi đó là ông Jean-Claude Juncker và Thủ tướng
Đức Angela Merkel đã cùng tiếp Chủ tịch Trung Quốc tại Điện Elysee. Năm
2019, một bộ trưởng Đức đã tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến công
du Bắc Kinh.
Theo nhận định của giới phân tích Pháp, quan hệ giữa Liên minh châu
Âu (EU) và Trung Quốc trong những năm gần đây đi theo quỹ đạo không mấy
tích cực. Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc ký cuối năm 2020 đã
vấp phải chỉ trích kịch liệt và ít có triển vọng được thông qua trong
tương lai gần sau khi hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào
cá nhân và thực thể của nhau, trong đó có nhiều nghị sỹ và quan chức cao
cấp.
Ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã tuyên bố
quan hệ EU - Trung Quốc trong tương lai sẽ tùy thuộc vào mối quan hệ chiến
lược giữa Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Macron được mô tả là người muốn duy trì quan
hệ đối tác với Trung Quốc, nhưng Pháp cũng là động lực thúc đẩy châu Âu
đưa ra nhiều chính sách cứng rắn nhằm tái lập quan hệ song phương theo
chiều hướng cân bằng hơn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Sự phối hợp của hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm quan trọng chắc
chắn sẽ làm cho Pháp, rộng hơn là EU, có thêm đòn bẩy trong các cuộc
thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Không khó để nhận ra rằng mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Pháp và EC
sẽ là thuyết phục Trung Quốc đóng vai trò trung gian để tìm ra giải pháp
cho tình hình Ukraine, cuộc chiến đang làm rung chuyển châu Âu, đẩy
kinh tế EU rơi vào khó khăn chồng chất khi mới vừa chớm hồi phục mong
manh sau dịch COVID-19.
Tại hội nghị G20 tháng 11/2022, Tổng thống Macron đã kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Theo nhà phân tích Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ nghiên cứu
chiến lược Pháp, Paris hy vọng Trung Quốc sẽ thể hiện lập trường rõ ràng
đối với tuyên bố của Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại
Belarus.
Từ trước đến nay, Bắc Kinh có quan điểm nhất quán phản đối triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ quốc gia.
Một câu trả lời của Trung Quốc, cho dù không rõ ràng, sẽ tạo điều
kiện để Pháp khẳng định vai trò là cường quốc có trách nhiệm đối với hệ
thống chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tháp tùng Tổng thống Macron tới Bắc Kinh và Quảng Châu lần này là phái
đoàn hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu, gồm những tập đoàn rất lớn như
Airbus, EDF, Alstom hay Veolia.
Phát biểu khi công bố chính thức về chuyến thăm, ông Macron khẳng
định sẽ cố gắng để thiết lập “mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung
Quốc có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp".
Một bài toán khó vào thời điểm hiện nay là kim ngạch thương mại
Pháp-Trung lên đến hơn 100 tỷ euro, nhưng Pháp thâm hụt đến 50 tỷ euro
năm ngoái, tăng mạnh so với mức 30 tỷ euro của năm 2017.
Đáng báo động hơn, xuất khẩu của Pháp thậm chí còn giảm nhẹ. Trong
khi đó, mặc dù là nước thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu châu Âu, nguồn
vốn từ Trung Quốc chỉ tạo ra số lượng việc làm tương đương với đầu tư
từ Bỉ và ít hơn nhiều so với các doanh nghiệp của Thụy Sĩ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: DW)
Về phía EU, thâm hụt thương mại và chính sách kiểm soát đầu tư của
Trung Quốc từ lâu đã trở thành vấn đề lớn trong quan hệ song phương.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của EU đối với Trung Quốc đã lên đến gần
400 tỷ euro, tăng liên tục trong gần 10 năm trở lại đây.
Thực trạng này chắc chắn không thể giải quyết được trong ngày một
ngày hai, nhất là không thể chỉ qua một chuyến thăm. Những năm gần đây,
EU đã đưa ra nhiều công cụ và chính sách mới nhằm kiểm soát đầu tư nước
ngoài, tìm cách tái cân bằng cán cân thương mại, khuyến khích tái công
nghiệp hóa.
Một số nước thành viên đi xa hơn, tham gia vào chiến lược của Mỹ cấm
xuất khẩu thiết bị sản xuất sản phẩm bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc.
Nhưng đây sẽ không phải là chủ trương chung của EU, cũng không phải của
Pháp.
Chủ tịch Ursula von der Leyen đã khẳng định rõ ràng: “Tôi tin rằng
tách khỏi Trung Quốc vừa không khả thi, vừa không phù hợp với lợi ích
của châu Âu." Tổng thống Macron cũng có quan điểm tương tự, sự hiện diện
của các doanh nghiệp lớn trong đoàn cho thấy Pháp vẫn rất coi trọng thị
trường với khoảng 1,4 tỷ người tiêu dùng này.
Truyền thông Pháp cho biết tập đoàn Airbus đang đàm phán một hợp đồng
bán máy bay chở khách mới cho Trung Quốc. Bất chấp triển vọng khó khăn
do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gây ra, các nhà đầu tư Pháp vẫn tin
tưởng vào cơ hội tại Trung Quốc.
Theo thăm dò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, 47% số doanh
nghiệp Pháp có ý định mở rộng đầu tư tại Trung Quốc trong 3 năm tới.
Câu hỏi đặt ra là liệu Pháp và EU có đạt được mục tiêu hay không?
Trung Quốc vừa mới ổn định tình hình kinh tế-xã hội sau khi từ bỏ chính
sách phong tỏa để chống dịch COVID-19. Tăng trưởng của nước này năm 2022
xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, chỉ tiêu cho năm 2023 chỉ
khoảng 5%, bất cứ xáo động nào trong quan hệ kinh tế-thương mại với EU
sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này.
Mặc dù có tiềm lực rất lớn, Trung Quốc rất cần ổn định quan hệ với
châu Âu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để tiếp tục phát triển trong
lúc cuộc chạy đua chiến lược Mỹ-Trung ngày càng tăng nhiệt.
Từ đầu năm, Trung Quốc đã cử đặc phát viên Vương Nghị đi nhiều nước
châu Âu không ngoài mục đích củng cố quan hệ với các nước thành viên.
Theo logic đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chấp nhận nhượng
bộ nhất định với EU để hướng tới mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn, giữ
cho châu Âu không nghiêng hẳn về Mỹ.
Vì thế, chuyến thăm của Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC nhiều khả năng
sẽ đạt được những kết quả tích cực, đủ để giới phân tích nhận định về
thành công.
Cái được lớn nhất không phải là những hợp đồng hay tuyên bố mới - sẽ
khó có tuyên bố có tính chất đột phá nào được đưa ra - mà là hai bên
giữ được kênh tiếp xúc cấp cao có tính chất tích cực, xây dựng.
Trong bối cảnh hầu hết các mối quan hệ quốc tế đang bị thách thức
trước sự trở lại của tư duy Chiến tranh Lạnh, việc duy trì nền tảng đối
thoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì giữa EU với Trung Quốc
không chỉ có xung đột Ukraine hay kinh tế, thương mại, nhiều vấn đề toàn
cầu đòi hỏi phải có sự hợp tác của hai nền kinh tế hàng đầu, nhất là
cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi sinh, những chủ đề chắc
chắn có trong chương trình nghị sự của cuộc gặp và cũng là những lĩnh
vực mà hai bên đã cố gắng thúc đẩy rất tích cực trong những năm gần
đây./.
TTXVN