Ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi rằng vắcxin phòng COVID-19 nên được coi là "một mặt hàng chung toàn cầu" để chia sẻ cho người dân trên toàn thế giới.
Ngày 3/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới có thể phải đương đầu với các tác động của dịch COVID-19 trong hàng thập kỷ tới kể cả khi các vắcxin phòng bệnh được thông qua nhanh chóng để đưa vào sử dụng.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về dịch bệnh COVID-19 dưới hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã hoan nghênh những tiến bộ khoa học nhanh chóng đạt được, song cảnh báo rằng tiêm chủng không phải là "liều thuốc tiên" đối phó với dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới.
Ông Guterres nêu rõ: "Một vắcxin không thể xóa bỏ những thiệt hại sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí trong hàng thập kỷ tới. Tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng. Nguy cơ của nạn đói kém đang thấp thoáng. Chúng ta đang đương đầu với cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong 8 thập kỷ."
Theo ông Guterres, đại dịch COVID-19 đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới, đã làm trầm trọng thêm những thách thức dài hạn khác, trong đó có bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
Ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi rằng vắcxin phòng COVID-19 nên được coi là "một mặt hàng chung toàn cầu" để chia sẻ cho người dân trên toàn thế giới.
Ông cũng kêu gọi sự đóng góp của các nước để bù đắp khoản thiếu hụt 4,3 tỷ USD tài trợ ứng phó với dịch COVID-19 trong vòng 2 tháng tới.
Các nhà lãnh đạo và giới chức khoa học của hơn 100 nước tham dự hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về COVID-19 với các bài phát biểu ngắn được thu âm trước. Tuy nhiên, giới ngoại giao không kỳ vọng hội nghị trực tuyến này sẽ đi đến ngay những quyết định quan trọng.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn một báo cáo mới của tổ chức này công bố hôm 3/12 cho biết đại dịch COVID-19 có thể đẩy 32 triệu người ở các nước kém phát triển nhất thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực. Báo cáo cũng nêu rõ nếu không có các hành động quốc tế, các mục tiêu phát triển toàn cầu sẽ bị bỏ lỡ.
Trong Báo cáo các nước kém phát triển nhất năm 2020, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đánh giá các nước kém phát triển nhất thế giới đang trải qua giai đoạn kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19.
Thu nhập giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và thâm hụt tài chính lớn có thể đẩy 32 triệu người ở 47 quốc gia kém phát triển nhất vào diện nghèo cùng cực.
Mặc dù ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe của người dân các nước này ít nghiêm trọng hơn các nước khác nhưng tác động về kinh tế lại rất tàn khốc.
Dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ 5% xuống -0,4% trong khoảng thời gian từ 10/2019-10/2020. Thu nhập bình quân đầu người giảm 2,6% trong 2020.
Tổng thư ký UNCTAD, ông Mukhisa Kituyi, nêu rõ mức sống vốn đã thấp của người dân các nước nghèo đang tiếp tục giảm xuống.
Tỷ lệ nghèo đói tăng lên, quét sạch những kết quả cải thiện chậm chạp đạt được trước đại dịch. Các tiến bộ về dinh dưỡng, y tế và giáo dục cũng đang bị hủy hoại do tác động của khủng hoảng.
UNCTAD cũng cảnh báo sự gia tăng mức độ lây nhiễm COVID-19 ở các nước kém phát triển nhất sẽ gây ra cú sốc cho hệ thống y tế vốn vẫn chưa phát triển ở các nước này./.
Theo TTXVN