Phát biểu trước các đại biểu tham dự phiên thảo luận, Tổng Thư
ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định những thành công to lớn trong
quá trình hợp tác giữa hai tổ chức trên, giúp giải quyết được
nhiều vấn đề nan giải trong các mối quan hệ quốc tế, từ xung
đột vũ trang, khủng bố, quyền con người, đến cứu trợ nhân đạo
và đối thoại giữa các nền văn minh...
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại trước tình trạng căng thẳng ngày
càng gia tăng giữa cộng đồng dòng Sunni và Shiite của đạo Hồi,
và kêu gọi các nhà lãnh đạo OIC có những biện pháp hòa giải
thỏa đáng để tăng cường lòng tin và sự thông cảm, hiểu biết
lẫn nhau giữa các cộng đồng người Hồi giáo, đặc biệt giữa
các tín đồ của hai dòng trên.
Liên quan tới cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở Syria, quốc gia
vừa là thành viên của LHQ lẫn OIC, ông Ban Ki-moon kêu gọi hai tổ
chức này cùng hành động hết sức mình để sớm đạt được một
giải pháp chính trị, đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria,
chấm dứt đổ máu tại quốc gia Trung Đông này.
Ông cho rằng chính cuộc xung đột này đã làm gia tăng căng thẳng
giữa các tín đồ dòng Sunni và Shiite của đạo Hồi, và chia rẽ
các quốc gia, các cộng đồng Hồi giáo, đe dọa nghiêm trọng hòa
bình và an ninh ở Trung Đông và thế giới nói chung.
Ông đề nghị OIC có biện pháp dung hòa, thống nhất lập trường
của các nước thành viên trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc
xung đột ở Syria, qua đó giúp giảm bớt căng thẳng giữa các
dòng Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo nói chung, và kiên
quyết không để các phe nhóm cực đoan lôi kéo, gây ảnh hưởng với
các cộng đồng người Hồi giáo.
Tổng Thư ký Ki-moon kêu gọi đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa
Palestine với Israel nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột
kéo dài đã nhiều thập kỷ nay và thiết lập nền hòa bình công
bằng, bền vững ở Trung Đông.
Ông cho rằng hơn bao giờ hết, cả người Do Thái ở Israel lẫn
người Palestine và người Arập nói chung, phải thấy rõ xu thế
tất yếu của hòa bình và ổn định trên thế giới, từ đó cùng
hành động theo con đường này.
Tổng Thư ký LHQ cũng đề cập tới tình hình một số quốc gia Hồi
giáo khác hoặc những nước có đông người Hồi giáo sinh sống,
như Afghanistan, Sudan, Mali, Myanmar... và kêu gọi OIC thúc đẩy
giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tranh chấp giữa
người Hồi giáo với các tôn giáo khác, thiết lập cuộc sống
hòa bình, ổn định cho tất cả mọi người, mọi tôn giáo.
Ông khẳng định chủ nghĩa khủng bố không có liên quan tới một
tôn giáo, một nền văn hóa hay một dân tộc nào cụ thể, song
thực tế những năm gần đây cho thấy nhiều hoạt động khủng bố,
cực đoan được bắt nguồn từ các quốc gia là thành viên của OIC,
từ vùng Sahara, Bắc Phi, đến khu vực Trung Đông và Nam Á.
Vì vậy, theo ông, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác và hiểu
biết lẫn nhau giữa LHQ với OIC để tìm giải pháp cho các cuộc
xung đột, bảo vệ quyền con người, củng cố hòa bình và an ninh
quốc tế, ngăn chặn mọi hành động khủng bố, cực đoan, thúc đẩy
sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo,
giúp họ cùng đấu tranh cho hòa bình và thịnh vượng chung./.
Theo TTXVN