Thứ Năm, 12/12/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 15/10/2021 8:49'(GMT+7)

TP.HCM: Củng cố hệ thống chính trị, hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 14/10, phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 (khóa XI), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tới đây phải có giải pháp tính toán bộ máy cho phù hợp, trong đó cán bộ y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở phải đáp ứng yêu cầu thực tế.

BỘC LỘ TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI KHI DỊCH BÙNG PHÁT

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hệ thống chính trị, nhất là hệ thống y tế và hệ thống chính trị cơ sở, bình thường có thể đưa ra những hoạt động hành chính cho người dân thực hiện, nhưng khi phòng, chống dịch đã bắt đầu bộc lộ quá sức, quá tải khi chăm lo cho người dân trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch.

Qua kiểm tra, có nơi cũng là bộ máy cấp xã, nhưng quản lý tới 130.000 dân, thì dù cố sức tối đa cũng khó có thể hoàn thành theo mong muốn. Thực tế, khi thiết lập “pháo đài xã, phường”, cấp xã phải chật vật mới bố trí được nhân sự. Nhiều nơi thiếu người, không thể quán xuyến hết nhiệm vụ được giao, các đồng chí lãnh đạo làm hết sức, tận dụng mọi thời gian để thực hiện nhưng vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị, thành phố cần khẩn trương ban hành, triển khai hiệu quả chiến lược y tế, đây là chiến lược trụ cột trong công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; tập trung, củng cố đúng mức và nâng cao chất lượng hệ thống y tế thành phố, nhất là y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng; đảm bảo cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ tuyến cơ sở.

Do đó, các cơ quan chức năng cần đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho y tế công lập, y tế tư nhân nâng cao năng lực khám và điều trị bệnh; huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư và phát triển y tế cơ sở; tổ chức lại các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở. Ngoài ra, ngành y tế chuẩn bị nhân sự, điều kiện để tiếp nhận và thay thế cho các lực lượng tăng cường hiện nay.

PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI KINH TẾ: TRÁNH NÔN NÓNG, KHÔNG BỎ LỠ CƠ HỘI

Về các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trước hết tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Thành phố xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; kiên trì, chủ động, nhất quán phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thành phố cũng nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội một cách vững chắc, an toàn, không nôn nóng nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, khóa XI. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, khóa XI. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đề nghị chuẩn bị các kịch bản phục hồi kinh tế theo từng giai đoạn và diễn biến dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, các chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phải gắn chặt với chiến lược y tế và ngược lại.

Thành phố tập trung đi sâu nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế trí thức, hạn chế những ngành sử dụng lao động giản đơn; hoàn thiện cơ chế huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách; tập trung phân tích, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của thành phố; tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số...

KHÓ KHĂN TRONG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH THU NGÂN SÁCH

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trạng thái hiện nay của thành phố vẫn chưa là bình thường mới, mà đang trong quá trình chuyển đổi, cần có lộ trình và bước đi phù hợp. Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2021 của thành phố là rất khó khăn.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp để tăng thu hợp lý và chăm lo, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu bền vững; bên cạnh đó, cần phải phối hợp thật nhuần nhuyễn giữa phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, phối hợp giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành chủ lực, có tác động lan toả, dẫn dắt, đóng góp ngân sách lớn...

Thành phố tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022, có khung chính sách cho người già neo đơn, trẻ mồ côi do COVID-19; đề án nhà ở cho người thu nhập thấp; bổ sung hoàn thiện kế hoạch tổ chức dạy và học, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh ngay khi có điều kiện...

Cùng với đó, thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch vốn đã được duyệt; đồng thời triển khai các cơ chế, giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn phục vụ yêu cầu phát triển thành phố./.

Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất