Thứ Ba, 26/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 24/11/2012 19:48'(GMT+7)

TP.HCM: Tăng cường liên kết để phát triển bền vững

(Ảnh minh họa: TTXVN).

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Hiện phần lớn nguồn cung nông sản, thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nguồn thực phẩm bình ổn giá đến từ các địa phương khác, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua chưa thật sự bền vững. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định về giá và lượng phục vụ chương trình bình ổn thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường hợp tác trong bảo vệ nguồn nguyên liệu, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và hướng vùng nguyên liệu đến sản xuất an toàn…

Hướng đến bình ổn lâu dài

Chương trình bình ổn thị trường nhiều năm qua đã trở thành “thương hiệu” của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội không chỉ trên địa bàn thành phố mà cả nước. Bắt đầu từ năm 2002, đến nay chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu, góp phần kềm chế lạm phát. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, khi chương trình được thực hiện xuyên suốt năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI của thành phố luôn thấp hơn mức trung bình cả nước.

Chương trình đã góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa thành phố với các địa phương lên tầm cao mới, gắn kết giữa đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm giá cả hàng hóa, sản phẩm ổn định cho người sản xuất, chủ yếu là bà con nông dân, người tiêu dùng phần lớn là người lao động. Chương trình còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp tỉnh, thành phố khác để có thêm nhiều nguồn hàng thực hiện mục tiêu bình ổn.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua thành phố đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh thành khác nhằm tạo nguồn hàng ổn định, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chương trình bình ổn giá.

Hiện nay các doanh nghiệp lớn như Vinatex, Saigon Coop, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiệm vụ thu mua, tiêu thụ hàng hóa, giải quyết lao động, tham gia ổn định thị trường tại các tỉnh này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có ý thức xây dựng thương hiệu hàng hóa, đây là rào cản rất lớn trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng.

Bình ổn thị trường không thể một sớm một chiều mà căn cơ lâu dài phải chủ động nguồn hàng và quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tham gia phải có tiêu chí rõ ràng: tự sản xuất, liên kết sản xuất, có năng lực tài chính ổn định để đảm bảo có nguồn hàng chi phối thị trường, sản phẩm doanh nghiệp làm ra đạt chất lượng cao, vệ sinh an toàn thành phố sắp tới Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm việc cụ thể với từng tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường liên kết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định thế mạnh của mình là gì, chủ lực là ngành hàng nào và doanh nghiệp nào đảm bảo khả năng cung ứng…

Để phục vụ cho bình ổn thị trường căn cơ, tạo dựng vùng nguyên liệu, từng tỉnh phải hướng người dân sản xuất sản phẩm sạch để không chỉ cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh mà thị trường các tỉnh lân cận và cả nước, góp phần ổn định thị trường.

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long là nguồn cung nông sản mang tính quyết định cho thị trường nông sản Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nguồn cung nhân lực quan trọng cho các cơ sở sản xuất của thành phố, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế biến, may mặc, sản xuất hàng tiêu dùng cần sử dụng nhiều lao động.

Nguồn cung nông sản và sức lao động của Đồng bằng sông Cửu Long cho Thành phố Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng trực tiếp đến bình ổn giá của thành phố. Ngược lại, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò “đầu tàu kinh tế,” thị trường rộng lớn và sôi động nhất của cả nước; trạng thái “nóng - lạnh” của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tác động đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thị trường cả nước. Vì vậy, thực hiện bình ổn giá thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long không thể tách rời mối quan hệ hợp tác, gắn bó giữa hai vùng này.

Trong bình ổn thị trường, đảm bảo cho giá cả bình ổn chỉ là phần ngọn, cái gốc của vấn đề là liên kết, tổ chức như thế nào trong một chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Hiệp cho rằng, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua chưa tạo thế liên kết phát triển bền vững, còn nặng tính hình thức, chủ yếu liên kết chính quyền, chưa phát huy đúng mức các liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long mà Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần “nhìn” về Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển công nghiệp chứ không chỉ là vùng nguyên liệu cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Xu hướng tiêu dùng hiện nay đòi hỏi sản phẩm tiêu dùng động vật nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc kiểm tra, kiểm soát từ gốc là điều kiện cần thiết. Quá trình thực hiện các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bày bán và chế biến là một chuỗi sản xuất vô cùng quan trọng để có được sản phẩm đạt chất lượng, gắn kết lợi ích của các bên, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản, thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan - đơn vị có nhiều kinh nghiệm tham gia chương trình bình ổn thị trường, khó khăn hiện nay là phải xây dựng mối gắn kết chặt chẽ giữa đầu vào là sản xuất của bà con nông dân đến chế biến của nhà máy và đầu ra là hệ thống phân phối. Muốn bình ổn thị trường trước hết phải có nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm dồi dào và đạt yêu cầu, nếu không có tạo nguồn sẽ tạo biến động cung cầu dẫn đến mất ổn định về giá.

Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn/ngày, riêng Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 5.000 con nhưng đa số người sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long chăn nuôi cá thể, nhỏ lẻ, chưa có những trang trại nuôi công nghiệp, đó là một nguy hại, thách thức khi đi vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần liên kết ngay trong việc phát triển vùng nguyên liệu, kết hợp với các trại chăn nuôi, cam kết tiêu thụ và mua theo giá thị trường để người chăn nuôi không bị thiệt đồng thời có nguồn nguyên liệu đảm bảo, thông qua đó kiểm soát luôn quy trình chăn nuôi của họ và chuẩn mực của sản phẩm.

Cũng theo ông Văn Đức Mười, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của cả nước, vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện đại, tiếp thu công nghệ, máy móc thiết bị mới-hiện đại để trao đổi và chuyển giao cho các vùng chăn nuôi và trồng trọt, sau đó thu mua sản phẩm từ các vùng sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ trong thành phố và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, khi tham gia bình ổn giá, để có được mạng lưới rộng khắp việc đầu tiên phải ổn định sản xuất, do đó khâu sản xuất là rất quan trọng. Bình ổn thị trường trong thời gian vừa qua làm tốt việc tập hợp sản phẩm đưa ra thị trường ở giá thấp hơn từ 5-10% nhưng về mặt lâu dài cần phải xem xét cần liên kết gì, làm gì để đảm bảo cho người sản xuất, chăn nuôi. Người nông dân muốn sản xuất bắt buộc phải có nguyên liệu và con giống, nhưng nguyên liệu và con giống hiện nay chúng ta chưa chủ động được. Do đó để sản xuất ổn định thì nguồn nguyên liệu phải ổn định và phải có giá thành thấp nhất để sản xuất.../.

(Việt Âu/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất