Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 23/5/2009 9:5'(GMT+7)

TP Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cho tài xế xe buýt

Theo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh: năm 2008, xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh gây ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm 38 người chết, 7 người bị thương. Riêng từ đầu năm đến nay cũng có đến cả chục vụ tai nạn giao thông chết người do xe buýt gây ra. Có nhiều yếu tố gây ra tai nạn giao thông, nhưng điều đáng nói là nếu những tài xế có lương tâm và đạo đức, biết tuân thủ luật giao thông, vì sự an toàn của người tham gia giao thông thì chắc chắn sẽ không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Anh Lê Vĩnh Phú, một người dân ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều lúc đi xe buýt mà anh cảm thấy bất an vì tài xế chạy rất ẩu, đến ngã tư đèn đỏ rồi mà vẫn cứ chạy. Rồi xe này vượt xe kia để tranh giành khách, nhiều lúc kẹt xe mà xe buýt vẫn không chịu nhường đường cho người đi bộ và xe máy. “Tôi nghĩ các công ty xe khách trước khi cho tài xế cầm lái phải dạy cho họ về đạo đức và lương tâm của người lái xe trước. Nếu tài xế không có lương tâm, bất chấp luật lệ giao thông thì rất nguy hiểm cho người tham gia giao  thông”- Anh Lê Vĩnh Phú nói.

Bà Trần Thị Nhàn, ở quận 12, thường xuyên đi xe buýt tuyến Củ Chi-Chợ Lớn bức xúc: “Tôi thấy nhiều tài xế xe buýt chạy rất ẩu, giống như chạy đua. Hành khách chưa kịp lên xe mà họ đã cho xe chạy. Sao họ coi thường tính mạng của hành khách vậy!”.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 151 tuyến xe buýt với khoảng 2.600 xe các loại, hoạt động trên 400 con đường với chiều dài trên 1.470 km. Với lượng xe buýt đông, phạm vi hoạt động lại rộng, nếu những tài xế xe buýt không chấp hành luật giao thông, bảo đảm an toàn cho hành khách và người đi đường thì sẽ hết sức nguy hiểm. Tai nạn xảy ra là điều khó tránh.  

Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, trong thời vừa gian qua có một số trường hợp xe buýt chạy nước rút. Những xe này khi khởi hành khỏi bến thì chạy chậm và đến trạm thì dừng đón khách lâu 5 phút đến 7 phút để có nhiều khách hơn xe sau và để đảm bảo thời gian nên họ chạy nhanh, chạy ẩu. Vậy có ai dám chắc là chính những xe chạy nước rút này không gây ra tai nạn giao thông (?).

Hiện nay Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị vận tải hành khách đang tiến hành triển khai các đợt tập huấn “nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe”. Sau mỗi đợt tập huấn, Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành sát hạch đội ngũ lái xe tham gia các lớp tập huấn này. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các bác tài. Và cũng là một trong những biện pháp hết sức quan trọng, góp phần hạn chế tai nạn giao thông do xe buýt gây ra.

Ông Nguyễn Văn Ẩn, Đội trưởng đội xe buýt, Công ty liên doanh vận tải Ngôi sao Sài Gòn cho rằng: “Người ta lái xe đã được học về đạo đức nghề nghiệp trước khi cầm lái. Nhưng vẫn cần được tập huấn thêm, để họ hiểu thêm về ngành nghề của mình và cung cách phục vụ của lái xe. Nếu đã làm tốt rồi thì phải làm cho tốt hơn, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Khi đã cầm bằng lái để lái xe, không ai muốn tai nạn xảy ra, còn sự cố xảy ra là ngoài ý muốn”.

Có lẽ lời phân trần này chỉ đúng với những lái xe có lương tâm và những tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người lái xe nào cũng nghĩ đến trách nhiệm và lương tâm đối với hành khách. Họ rất coi thường tính mạng của người khác bằng chính hành động của mình khi ngồi trước vô lăng. Khi xảy ra tai nạn họ đổ thừa cho những nguyên nhân khách quan, như: đường sá chật hẹp, áp lực về thời gian…. chứ không phải do vượt ẩu, phóng nhanh.

Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tránh gây căng thẳng cho lái xe, trung tâm không quy định thời gian cho xe chạy mà tăng nặng mức phạt cho lái xe khi họ không dừng hẳn khi đón trả khách, chạy ẩu… Đối với những trường hợp vi phạm nội quy trên, chúng tôi có những chế tài như phạt bằng tiền, đuổi việc. Nếu đơn vị vi phạm nặng và năng lực quản lý điều hành yếu thì sẽ không giao tuyến cho doanh nghiệp đó nữa. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các lớp nghiệp vụ cho lái xe, bồi dưỡng lương tâm, đạo đức cho người lái xe…

Đó là những giải pháp đang thực hiện nhằm  nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người lái xe buýt. Cũng cần nhắc lại rằng, mục tiêu của việc phát triển xe buýt là vừa đảm bảo an toàn vừa làm thông suốt giao thông. Vây khi những mục tiêu này bị coi nhẹ thì liệu có cần những biện pháp, chế tài quyết liệt hơn góp phần lập lại trật tự cho hoạt động xe búyt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó cũng là điều dư luận trông chờ bấy nay./.

(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất