Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 20/5/2009 19:54'(GMT+7)

Sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Ủy ban Da cam

Ông Mai Thế Chính

Ông Mai Thế Chính

Ông cảm thấy thế nào khi vừa ở phiên tòa ủng hộ nạn nhân chất độc da cam từ Pháp trở về?

- Tôi tin tưởng cuộc đấu tranh của các nạn nhân da cam sẽ ngày càng rộng khắp như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói khi tiếp ông Jitendra Sharma (vị thẩm phán người Ấn Độ) khi sang thăm Việt Nam: "hy vọng tòa án sẽ có sức lay động mạnh mẽ dư luận để những người có trách nhiệm phải có thái độ đúng mực".

- Phiên tòa xét xử các công ty hóa chất Mỹ lại được mở ở Paris (Pháp), vậy nhân dân Pháp đón nhận thế nào?

- Nhân dân Pháp rất quan tâm và ủng hộ phiên tòa. Họ kéo đến chứng kiến rất đông, trong đó một số người Việt ở Pháp cũng đến dự. Các nạn nhân ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... cũng đến để nói lên hậu quả của chất độc da cam đối với bản thân và gia đình.

Bên lề phiên tòa, một triển lãm về chất độc da cam do 4 phóng viên nước ngoài chụp và chiếu phim tài liệu "Khúc tưởng niệm cho riêng mình" được Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức cũng đã thu hút đông đảo người dân tới thăm.

- Theo kết luận của phiên tòa, các công ty hóa chất phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một phiên tòa công luận, vậy Hội sẽ làm thế nào để buộc các công ty hóa chất Mỹ thực hiện kết luận này?

- Ngay từ khi mới bắt đầu phiên tòa, khi thư ký điểm danh thấy vắng mặt đại diện các công ty hóa chất và chính quyền Mỹ, ông Chánh án Jitendra Sharma đã nói, dù họ vắng mặt nhưng vẫn xét xử. Đây không phải là tòa hình sự mà là tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế. Vì thế sẽ có tác động đối với dư luận với nhân dân thế giới cũng như chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ để họ thấy rõ trách nhiệm đạo lý, pháp lý và tinh thần, từ đó có bồi thường thích đáng cho các nạn nhân Việt Nam.

Còn việc làm thế nào để kết luận của phiên tòa được thực thi thì đây là cuộc đấu tranh công lý còn rất nhiều gian nan và phức tạp. Phiên tòa Lương tâm và Nhân dân Quốc tế là một trong những hoạt động để tiến tới đấu tranh cho đến khi công lý thắng lợi.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định trước sau kiên trì đấu tranh giành công lý. Qua phiên tòa lần này, có thể qua nhiều cuộc vận động khác nữa, để ép buộc những người gây ra thảm họa phải xem xét về lương tâm và trách nhiệm với những gì họ gây ra đối với 3 triệu nạn nhân Việt Nam và nhiều nạn nhân là cựu binh của những nước từng tham chiến tại Việt Nam.

- Trong kết luận của phiên tòa có đề nghị Chính phủ Việt Nam nên thành lập Ủy ban Da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VaVa) nghĩ sao về đề xuất này?

- Hiện nay, VaVa cũng đang đặt vấn đề thành lập Ủy ban Da cam, trước mắt hoạt động trong 1 năm. VaVa sẽ có trách nhiệm báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo.

Một điều rất thuận lợi là, toàn bộ phán quyết của phiên tòa đã được ông Jitendra Sharma tuyên bố gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

- Một gợi ý từ phiên tòa là Ủy ban Da cam sẽ căn cứ vào mức bồi thường hàng năm mà Chính phủ Mỹ dành cho các cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và nhiễm chất độc da cam để đưa ra mức yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ. VaVa xem xét gợi ý này như thế nào?

- Việc bồi thường mỗi nước một khác nhưng không ngoài tinh thần nhân đạo là phải cứu giúp những người hoạn nạn, đau khổ vì chất độc da cam/dioxin.

Trong khi mỗi năm Chính phủ Mỹ bỏ ra 1,52 tỷ USD để bồi thường cho các cựu binh Mỹ từ chiến tranh Việt Nam không lẽ gì 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lại không được bồi thường.

VAVA chắc chắn sẽ đưa ra một mức, lúc này chưa thể đưa ra con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ có trong thời gian tới.

- Kết luận phiên tòa đã được ban ra, tuy nhiên các công ty hóa chất Mỹ hoàn toàn có thể "phớt lờ", ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy, không thể nào từ phiên tòa này VaVa buộc các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm hay bồi thường. Nhưng qua phiên tòa này để họ thấy rằng dư luận thế giới là như thế, nếu là người có lương tâm và trách nhiệm trước vấn đề này thì họ phải xem xét lại thái độ.

Một số mốc chính trong vụ kiện chất độc da cam

- 30/1/2004, bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên Tòa án Liên bang Mỹ.

- 10/3/2005 Tòa sơ thẩm Mỹ ra phán quyết bác đơn.

- 30/9/2005 nguyên đơn nộp đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ.

- 22/2/2008: Tòa phúc thẩm nhất trí với kết luận của Tòa sơ thẩm, bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

- 6/10/2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ.

- 2/3/2009 Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.

-18/5 Tòa án Công luận Nhân dân Quốc tế tổ chức tại Paris (Pháp) tuyên bố các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Vnexpress 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất