Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 17/2/2014 20:8'(GMT+7)

TP.Hồ Chí Minh thông qua Dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của khu vực và cả nước, vì thế cần có cơ chế riêng tạo điều kiện cho thành phố phát huy hết tiềm năng, nguồn lực.

Đề án thí điểm Chính quyền đô thị là đề án phức tạp và rất mới, được thành phố chuẩn bị công phu và trách nhiệm. Đây là lần họp chính thức cuối cùng của Thành phố để góp ý cho Đề án. Dự kiến ngày 13/3 tới, Bộ Chính trị sẽ nghe Chính phủ trình bày về Đề án trước trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp nghiêm túc góp ý với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thiện Đề án.

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân thành phố đã trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và hoàn chỉnh Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Hoàng Quân, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quản lý, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố còn bộc lộ nhiều bất cập, ngoài nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo, điều hành của thành phố còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo, chưa phát huy hết tiềm năng, nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu và sự phát triển theo yêu cầu của Trung ương.

Để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của thành phố đối với vùng và cả nước, nhu cầu nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị thích hợp được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hành chính nước ta.

Dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 6 phần: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý thực hiện đề án; Định hướng và nội dung chủ yếu của tổ chức chính quyền đô thị thành phố; Đổi mới một số nội dung phân cấp quản lý hành chính Nhà nước giữa các cấp chính quyền; Quy định tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong chính quyền đô thị; Đánh giá tác động của việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Chuẩn bị nguồn nhân lực cho Đề án, tổ chức thực hiện và kiến nghị./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất