Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 31/3/2013 15:9'(GMT+7)

TP Hồ Chí Minh: Thực hiện bình ổn thị trường từ tháng 4/2013

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngày 30/3, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2012, nhiệm vụ bình ổn thị trường năm 2013 và tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 6.439 điểm bán bình ổn, trong đó có 2.784 điểm bán bình ổn các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, 512 điểm bán bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, 1.119 điểm bán bình ổn mặt hàng sữa và 2.024 điểm bán bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

Chương trình bình ổn thị trường với 90 - 95% là hàng hoá sản xuất trong nước đã góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn liên kết với các doanh nghiệp, người sản xuất các tỉnh, thành đầu tư sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong năm 2013, TP sẽ không hỗ trợ vốn với lãi suất 0% từ nguồn ngân sách cho các doanh nghiệp như những năm trước thay vào đó, sẽ thực hiện kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng.

Năm nay, ngoài các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng bình ổn, TP đã bổ sung các tổ chức tín dụng, ngân hàng cùng tham gia chương trình để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, TP sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, đổi mới công nghệ để tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường.

Tổng nguồn vốn dành cho chương trình bình ổn thị trường năm 2013 do các ngân hàng đã đăng ký tham gia chương trình lên đến 1.850 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp tham gia chương trình vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) để tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hoá cung ứng thị trường trong năm là 750 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm; nguồn vốn dành cho đầu tư cho các dự án sản xuất, chăn nuôi trung và dài hạn là 1.100 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.

Cơ chế giá sẽ linh hoạt hơn, giá bán hàng bình ổn thấp hơn thị trường 5 - 10%, doanh nghiệp được điều chỉnh giá khi nguyên liệu đầu vào tăng từ 5 - 10% (năm 2012, doanh nghiệp chỉ được điều chỉnh giá khi nguyên liệu đầu vào tăng 10% trở lên).

Bên cạnh đó, số lượng đơn vị tham gia phân phối ngoài các đơn vị truyền thống như Saigon Coop, Satra, VinatexMart,... hàng bình ổn giá cũng được mở rộng tới hầu hết các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như BigC, Metro, Maximark...

Số lượng đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá năm 2013 là 64 doanh nghiệp, tăng 16 doanh nghiệp so với năm 2012. Chương trình sẽ được bắt đầu thực hiện từ 1/4/2013 - 31/3/2014.

Theo Mạnh Hùng/Chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất