Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 27/3/2013 17:40'(GMT+7)

Thực hiện gần 100 tỷ USD vốn FDI sau 25 năm


Vốn FDI đang chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội

Báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 2/2013 Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Khẳng định khu vực FDI đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu chỉ rõ: FDI đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đã đạt khoảng 19% vào năm 2011; FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội), khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước; gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012), góp phần mở rộng thị trường quốc tế, bên cạnh thị trường truyền thống, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng chế biến; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 20101-2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD).

Bên cạnh đó, FDI đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng CNH, HĐH; FDI cũng góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, từ đó có ảnh hưởng nhất định trong việc cải thiện trình độ công nghệ trong nước.

Đặc biệt, FDI góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực FDI tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu động gián tiếp), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động...

Bên cạnh những thành tựu, Bộ KHĐT cũng chỉ ra một số hạn chế trong thu hút FDI 25 năm qua, gồm: hiệu quả tổng thể nguồn vốn FDI chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế; Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu; hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; một số dự án chất lượng chưa cao, quy mô bình quân dự án nhỏ, tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu; đời sống người lao động chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng, có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

Nguyên nhân gây ra những hạn chế nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu, do: điều kiện kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và sự phát triển của doannh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của FDI; hệ thống luật pháp, chính sách và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, chưa thực sự minh bạch, thiếu nhất quán và hay thay đổi; công tác quản lý nhà nước về FDI còn nhiều bất cấp.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “FDI rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nước ta. 25 năm qua, chúng ta rút ra nhiều bài học vô cùng quan trọng. Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh hơn, tạo ra sự cạnh tranh mạnh hơn; tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn đang là nhu cầu cấp bách”.

Phát huy chủ động của địa phương

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu và các bộ, ngành, địa phương đạt được trong thu hút FDI 25 năm qua. Thủ tướng cũng cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư và gắn bó với Việt Nam suốt những năm qua.

Để phát huy những thành tựu, khắc phục những nhược điểm trong thu hút FDI 25 năm qua nhằm tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cần: Một là, rà soát, tập trung thu hút đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP);

Hai là, rà soát, bổ sung các quy định về: tiêu chí công nghệ cao (ưu tiên công nghệ thông tin và công nghệ sinh học); dự án công nghiệp hỗ trợ; bổ sung thể chế, quy chế ưu đãi đầu tư vào thị trường vốn, thị trường tài chính; quy định rõ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ba là, tập trung rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch; công khai quy hoạch; tăng cường quản lý nhà nước vào giám sát quy hoạch.

Bốn là, hoạt động xúc tiến đầu tư phải có trọng tâm trọng điểm, có sự điều phối trong cả nước; tránh chồng chéo, khắc phục cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương, tránh thu hút không phù hợp với quy định của pháp luật.

Năm là, hoàn thiện cơ chế phân cấp nhằm phát huy chủ động của địa phương, tạo sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước, và tạo điều kiện để nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương; nâng cao tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu hút và sử dụng vốn FDI./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất