Chủ Nhật, 8/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 7/2/2023 14:24'(GMT+7)

TP Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sau Tết, người lao động trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh sớm vì nhiều doanh nghiệp đầu năm có đơn hàng mới.

Sau Tết, người lao động trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh sớm vì nhiều doanh nghiệp đầu năm có đơn hàng mới.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Trong năm qua, ngành du lịch là ngành phục hồi sớm và nhanh nhất, tuy nhiên các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn về vốn để khôi phục lẫn mở rộng kinh doanh. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn đã khẩn trương bắt nhịp lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành phố đang phải đối diện với những khó khăn, cụ thể là khó khăn khi đơn hàng sụt giảm liên tục, tiếp cận tín dụng... Vì vậy, DN đang rất cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn từ TP Hồ Chí Minh để khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường mới…

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup chia sẻ, chỉ riêng du lịch nước ngoài đã ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt ở một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản...  Có thể thấy, cơ hội phát triển ngành du lịch có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, nhất là khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận vốn dù chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đã triển khai được một thời gian, nhưng tính đến thời điểm này vẫn rất ít DN du lịch tiếp cận được. Do đó, DN ngành du lịch kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần được triển khai mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. DN cũng mong muốn NHNN xem xét giảm lãi suất để giảm áp lực tài chính.

Cũng đang gặp khó khăn khi hoạt động sản xuất, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, Chủ tịch Hội DN quận Bình Tân cho biết: "Gần 2 năm qua, nhiều DN rất vất vả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ví dụ, 1 dự án trước đây có thể mất khoảng 3 tháng là hoàn tất thủ tục nhưng nay có thể kéo dài vô thời hạn".

Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay hầu hết các dự án đều bị vướng mắc vì mỗi một vấn đề đều phải gửi văn bản xin ý kiến của nhiều nơi, thay vì một Sở như trước đây thì phải gửi đi nhiều Sở khác, thậm chí là các quận, huyện, phường, xã… Hệ quả là hồ sơ chạy vòng vòng, cuối cùng phải báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tình trạng này kéo dài gây ách tắc, mệt mỏi và thiệt hại lớn cho DN.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp sản xuất từ sớm để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng. 

Liên quan đến đơn hàng sụt giảm gây khó cho DN, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6/2023 và hiện nay, tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng phải đến quý 2/2023, hoạt động kinh doanh mới thật sự khởi sắc. Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đơn hàng, 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất khi có đơn hàng mới. Ghi nhận tại một số doanh nghiệp, phần lớn chủ yếu là do việc tiếp cận vốn gặp nhiều rào cản vì liên quan đến các thủ tục hành chính.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn về phát triển thị trường, sắp tới Sở sẽ có những biện pháp nhanh, kịp thời. Cụ thể, đối với thị trường trong nước, Sở sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại như khuyến mãi tập trung, tổ chức khoảng 500 hội chợ trong năm 2023. Đối với hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ tìm cơ hội vào các thị trường mới. Trong đó, phát triển ngày hội TP Hồ Chí Minh – Ngôi nhà Việt Nam ở các nước và một hội chợ chuyên hàng xuất khẩu... 

Về kế hoạch hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 ngành ngân hàng thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển sản xuất. Theo đó, ngân hàng sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHTW nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023.

Cụ thể, các giải pháp kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận, huyện trên địa bàn. Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ nỗ lực giữ ổn định thị trường tiền tệ, đây sẽ là cơ sở nền tảng để thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp đang mong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn trước khủng hoảng kinh tế, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đà suy giảm của năm 2022 còn tiếp tục kéo dài sang năm 2023, đặc biệt là trong quý 1. Nếu chúng ta không thực hiện tốt các giải pháp đến quý 2 thì doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần nhận diện rõ khó khăn, từ đó bắt tay vào hành động ngay. Trong đó, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt về các thủ tục hành chính, chính sách...”.

Theo ông Phan Văn Mãi, trước mắt TP Hồ Chí Minh sẽ có một số giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp như sớm tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để hạn chế tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Song song đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các Sở, ngành xem xét những tồn đọng nào liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Theo baotintuc.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất