Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 10/11/2012 22:2'(GMT+7)

Trả giá vì hủy hoại môi trường

Một trạm xăng dầu của Tập đoàn Chevron tại bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ). (Ảnh: Roi-tơ).

Một trạm xăng dầu của Tập đoàn Chevron tại bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ). (Ảnh: Roi-tơ).

Năm 1993, khoảng 30.000 người dân Ê-cu-a-đo đã đâm đơn kiện Công ty Dầu khí Texaco về hành vi thải hơn 68 tỷ lít chất thải độc hại gây ô nhiễm các lưu vực sông trong khu vực A-ma-zôn suốt 30 năm, khiến các cư dân tại đây bị nhiễm độc nặng. Công ty Texaco bị tố cáo đã vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước ngầm, sông, suối và cả ô nhiễm không khí, khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư, bệnh da liễu và sảy thai tăng cao tại khu vực này. Đến năm 2001, Chevron mua lại Texaco và nghiễm nhiên, tập đoàn này được “thừa hưởng” những cáo buộc mà Texaco dính líu. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Chevron vẫn một mực từ chối chịu trách nhiệm liên đới trong vụ kiện nói trên.

Theo Roi-tơ, đầu năm nay, tòa phúc thẩm tại Ê-cu-a-đo đã bác đơn kháng cáo của Chevron, đồng thời quyết định nâng gấp đôi mức phạt đối với tập đoàn dầu khí của Mỹ lên 19 tỷ USD do đã không công khai xin lỗi người dân ở Ê-cu-a-đo. Tờ Người bảo vệ của Anh cũng dẫn lời các thẩm phán Ê-cu-a-đo cho biết, quyết định nói trên được dựa trên những bằng chứng khoa học và họ hoàn toàn có thể chứng minh thực tế rằng chất thải do hoạt động khai thác của Chevron đã hủy hoại nguồn nước cung cấp cho người dân Ê-cu-a-đo. Phía Chevron đã phản đối phán quyết của tòa và tuyên bố "sẽ tiếp tục tìm công lý" tại các tòa án Mỹ!

Do Tập đoàn Chevron hầu như không còn tài sản tại Ê-cu-a-đo, các nguyên đơn đã tìm cách tịch biên tài sản tương tự tại những nơi mà Chevron hoạt động, trong đó có Cô-lôm-bi-a, châu Á, châu Đại Dương và châu âu. Phán quyết vừa qua của một tòa án ở Ác-hen-ti-na cũng xuất phát từ kế hoạch này.

Ông En-rích-kê Bru-chô (Enrique Bruchou), một luật sư đại diện cho những người dân Ê-cu-a-đo bị ảnh hưởng bởi hoạt động gây ô nhiễm của Chevron cho rằng, phán quyết mới đây của tòa án Ác-hen-ti-na là một quyết định đúng đắn. “Chúng tôi đang cho thế giới biết rằng, đầu tư nước ngoài được chào đón ở châu Mỹ La-tinh, nhưng đổi lại các nhà đầu tư phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường được áp dụng ở mỗi quốc gia", ông E. Bru -chô nhấn mạnh.

Được biết, lệnh tịch biên được áp dụng đối với 100% lợi nhuận và cổ phiếu của chi nhánh Chevron tại Ác-hen-ti-na, ước tính trị giá 2 tỷ USD, cũng như phong tỏa 40% doanh thu dầu mỏ và 40% vốn của Chevron tại các ngân hàng Ác-hen-ti-na. Đây thực chất là hành động nhằm giúp các nguyên đơn của Ê-cu-a-đo nhận được số tiền đền bù theo phán quyết của tòa án. Số tiền bồi thường sẽ được sử dụng để khôi phục hệ thống y tế, cung cấp nước sạch và tái thiết cho các cộng đồng thổ dân cho khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Tập đoàn Chevron đã bác bỏ phán quyết này, cho rằng phán quyết mang tính chính trị. Chevron cũng khẳng định tập đoàn này đã đầu tư 40 triệu USD trong những năm 90 của thế kỷ trước để làm sạch môi trường nơi Texaco từng hoạt động.

Đến nay, Tập đoàn Chevron vẫn giữ nguyên lập trường của mình khi cho biết họ sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa án Ác-hen-ti-na và tái khẳng định họ không có nghĩa vụ thực hiện phán quyết của tòa án Ê-cu-a-đo. Cố vấn truyền thông tại Mỹ La-tinh và châu Phi của Chevron, ông Giêm Crây (James Craig) cho biết, tòa án không có quyền tịch biên tài sản của các chi nhánh thuộc tập đoàn này vì họ không liên quan tới vụ kiện tại Ê-cu-a-đo.

Đây không phải là vụ kiện tụng duy nhất mà Chevron từng dính líu. Tháng 4-2012, một công tố viên liên bang tại bang Ri-ô đê Gia-nây-rô của Bra-xin cũng đã đệ đơn kiện Tập đoàn Dầu khí Chevron cùng nhà thầu Transocean phá hoại môi trường khi che giấu thông tin về vụ tràn dầu ở ngoài khơi nước này vào tháng 11-2011. Theo cơ quan điều tra, Chevron và nhà thầu Transocean đã bỏ ngoài tai những kết quả nghiên cứu địa chất, cho khoan dầu với áp suất lớn hơn nhiều so với sức chịu đựng của giếng dầu dẫn đến việc ít nhất 426.000 lít dầu tràn ra biển.

Trước đó, các công tố viên Bra-xin đã yêu cầu Chevron bồi thường 10,6 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường mà vụ tràn dầu gây ra. BBC cho hay, Tập đoàn Chevron đã chấp nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc này, đồng thời khẳng định họ đã không đánh giá đúng áp lực của các giếng dầu dưới biển trong quá trình khoan thăm dò, dẫn đến việc rò rỉ dầu./.

(Anh Vũ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất