Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 19/12/2014 16:57'(GMT+7)

Trà Vinh: Tập trung chăm lo đời sống các dân tộc thiểu số

Biểu dương, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Biểu dương, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Trà Vinh có dân số 1.015.284 người, trong này dân tộc Kinh chiếm 67,56%, Khmer chiếm 31,62%, dân tộc Hoa chiếm 0,77%, dân tộc Chăm và một số dân tộc khác chiếm 0,05%. Các dân tộc thiểu số trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất. Những năm qua, tuy còn nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh vẫn tập trung và đầu tư đúng mức nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà. 

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011 – 2015; Kế hoạch số 48 thực hiện Kết luận số 68 của Ban Bí thư khóa XI về xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Hoa. Đồng thời tập trung nỗ lực, dồn sức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong vùng đông đồng bào dân tộc Khmer, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống giao thông cơ bản được bê tông hóa, ô tô đến được trung tâm xã. Viễn thông phát triển rộng khắp. Chợ nông thôn được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ hộ dân tộc được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh ngày càng chiếm tỷ lệ cao (trên 95%). Các chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, trợ giá, trợ cước, đầu tư xây dựng hạ tầng, các dự án chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung thực hiện tốt. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Quyết định 74 nay là Quyết định 29 của Thủ tướng chính phủ đã hỗ trợ gần 150 tỷ đồng để giải quyết đất ở, việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo, góp phần rất quan trọng ổn định cuộc sống của đồng bào. Công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, đầu tư; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với giáo viên, học sinh, sinh viên người dân tộc; đã thành lập các khoa, trường dạy tiếng dân tộc. Các trường dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư. 

Đối với đồng bào Hoa, Chăm, Ấn, Mường, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đặc là tạo điều kiện cho đồng bào phát huy các sở trường sản xuất, kinh doanh. Hầu hết đồng bào Hoa, Chăm, Ấn, Mường đều có đời sống ổn định, nhiều hộ khá, giàu, không có hộ nghèo. Đồng bào tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Từ năm 2009 đến nay, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được xây dựng và nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 12.935.000 đồng/người/năm 2009 lên 27.588.000 đồng/người/năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình hàng năm từ 03 đến 3,5%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 04%. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã giảm được 5.733 hộ nghèo dân tộc Khmer, từ 26.574 hộ năm 2009 chiếm 35,98% trong tổng số hộ Khmer xuống còn 20.841 hộ năm 2013 chiếm 24,65%. 

Các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần các đồng bào dân tộc được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và không ngừng phát huy. 

Song song với chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đời sống kinh tế, Tỉnh ủy cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sinh hoạt đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật; hỗ trợ trùng tu, sửa chữa nhiều cơ sở thờ tự. 

Mặt khác cũng quan tâm công tác tập hợp, bồi dưỡng và phát triển đảng viên, đoàn viên trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng nòng cốt và những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, cấp ủy, chính quyền có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạc đội ngũ cán bộ, dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, công tác dân tộc và tôn giáo đã góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước; làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định. Mặt bằng dân trí trong đồng bào dân tộc còn thấp. Đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu đất ở và đất sản suất nhiều; giảm hộ nghèo ở một số nơi còn chậm, chưa bền vững. Một số hộ dân ý chí tự lực vươn lên chưa cao, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Trình độ, năng lực của cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế. Vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín ở một số nơi chưa được phát huy đúng mức. Một số đồng bào hiểu pháp luật còn hạn chế, còn nghe và tin theo lời kẻ xấu, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế, đưa hiệu quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh trong thời gian tới ngày càng cao hơn, theo như định hướng của Bí thư Tỉnh ủy Trần Trí Dũng (tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh lần thứ II, giai đoạn 2014 – 2019), các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nội dung Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011 – 2015; Kế hoạch số 48 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 68 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI về xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Hoa. Quan tâm, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch; đảo đảm cho đồng bào thụ hưởng một cách cao nhất những dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống trong khả năng và điều kiện của tỉnh;

Tăng cường triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chính sách nhà ở, đất ở, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chính sách xuất khẩu người lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài và các chương trình, dự án của Trung ương, để đồng bào thiểu số được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, giảm hộ nghèo bền vững;

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kịp thời biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước các địa phương và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Tập trung củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của hệ thống dân vận, mặt trận, các đoàn thể trong việc thực hiện các chính sách đại đoàn kết dân tộc. Quan tâm phát triển, nguồn nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; bố trí cán bộ đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn người dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy vai trò các lực lượng cốt cán, người có uy tín, đặc biệt là vai trò Hội đoàn kết sư sãi, Mê – Kone, hội tương tế người Hoa, ban quản trị các chùa, thánh đường Hồi giáo tham gia vào hệ thống chính trị, tổ chức các phong trào hành động cách mạng ở địa phương; 

Củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đầu tranh phong ngừa, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địa, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây chia rẽ mất đoàn kết các dân tộc; giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, không để phức tạp, kéo dài;

Ban dân tộc các cấp nỗ lực phấn đấu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà./.

Nguyễn Văn Dũ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất