Thứ Năm, 14/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 7/2/2018 14:35'(GMT+7)

Trách nhiệm cộng đồng trong phát triển du lịch

Du lịch dựa vào cộng đồng hay còn gọi là du lịch cộng đồng (DLCÐ) không phải là hình thức mới nhưng gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ bởi những đặc thù riêng, hấp dẫn. Tại nhiều nước trên thế giới, việc chú trọng, quan tâm phát triển DLCÐ đã được ghi nhận và có sự đồng thuận cao trong các chiến lược phát triển du lịch của quốc gia. Dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, song có thể hiểu DLCÐ là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Thông qua DLCÐ, du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức về lối sống của cộng đồng địa phương. Tại Việt Nam, DLCÐ được biết đến là một loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, có tính khám phá, trải nghiệm và thụ hưởng những giá trị văn hóa giàu màu sắc bản địa. Ðây là loại hình du lịch mà người dân được tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các hoạt động du lịch tại địa phương mình. Ðồng thời, cộng đồng địa phương cũng có vai trò trong việc tổ chức, vận hành và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách dựa trên những giá trị về văn hóa, như phong tục tập quán, các di sản phi vật thể cũng như thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên của địa phương mình. Như vậy đối với các loại hình DLCÐ, vai trò và hình ảnh “chủ nhân” của điểm đến sẽ được hình thành và tôn vinh từ chính cộng đồng dân cư khi trực tiếp hay gián tiếp tham gia đón tiếp và thực hiện các dịch vụ du lịch bằng tình yêu, niềm tự hào, sự tự tôn đối với quê hương, dân tộc.

Còn với du khách, giá trị thụ hưởng thể hiện ở việc họ được tham gia vào các hoạt động DLCÐ cụ thể như: được hòa mình vào đời sống của người dân địa phương, được thưởng thức nền văn hóa bản địa một cách rõ nét nhất. Nhìn từ góc độ bao quát hơn, phát triển DLCÐ cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, những mô hình DLCÐ còn góp phần quảng bá rộng rãi nền văn hóa bản địa, từ đó tạo cơ hội bảo tồn và phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa vùng, miền.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, DLCÐ được đánh giá là một trong các loại hình du lịch thu hút nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài bởi phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân thân thiện với những vùng, miền văn hóa độc đáo, những nét đặc sắc riêng. Chính những khác biệt về văn hóa luôn kích thích sự tò mò, tìm hiểu và khám phá của du khách. Vì thế, việc phát triển du lịch có sự chung tay góp sức của cộng đồng là quan điểm phát triển hợp lý, ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Các địa phương như Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình... với những đặc điểm văn hóa riêng biệt cùng cảnh quan đặc sắc được xem là nơi phát triển loại hình DLCÐ sớm nhất ở nước ta. Tại tỉnh Lào Cai đã xây dựng được hàng chục điểm DLCÐ, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà, tiêu biểu là: xã Tả Van, Tả Phìn, Nậm Sài (huyện Sa Pa); Bảo Nhai, Na Hối, Tà Chải (huyện Bắc Hà)... Một trong những điểm DLCÐ mang đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng, được nhiều du khách quốc tế yêu thích ở Lào Cai là bản Tả Van Giáy, xã Tả Van. Hội An (Quảng Nam) cũng là một trong những địa điểm thu hút số lượng lớn khách du lịch mỗi năm với hàng chục mô hình DLCÐ với các homestay (nhà nghỉ của dân) độc đáo. Tương tự, các tỉnh Ðác Lắc, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh... cũng đã và đang xây dựng thành công nhiều mô hình DLCÐ hấp dẫn du khách. Có thể thấy xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới chính là DLCÐ. Do đó mỗi địa phương cần tiếp tục phát hiện, khai thác những nét riêng độc đáo về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, huy động cộng đồng tham gia, tạo nên những sản phẩm du lịch khác biệt. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN lần thứ 36 năm 2017 (ATF 2017) tám đơn vị du lịch Việt Nam đã đem về giải thưởng ở hạng mục homestay và du lịch cộng đồng. Những giải thưởng này phần nào cho thấy sức hút của DLCÐ tại Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội cho mỗi địa phương tiếp tục xây dựng các mô hình DLCÐ hấp dẫn hơn nữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, loại hình DLCÐ hiện đang nảy sinh không ít bất cập. Tại một vài địa phương, DLCÐ vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chủ yếu xuất phát từ một vài hoạt động kinh doanh du lịch nhỏ lẻ của một số hộ gia đình với mục đích khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có, hoạt động du lịch mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, chưa mang lại sự thụ hưởng những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa cho du khách. Một vài địa phương chỉ chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, tuy nhiên việc tổ chức còn thiếu kế hoạch, tính toán, chưa có tầm nhìn dài hạn nên dễ xảy ra tình trạng manh mún, chụp giật, chưa quan tâm đến vấn đề duy trì chất lượng của hoạt động tham quan, giới thiệu văn hóa... Ðiểm đáng lo ngại nhất khi phát triển DLCÐ chính là dễ mang đến sự pha tạp của các yếu tố khác lên văn hóa bản địa, làm thay đổi bản sắc văn hóa địa phương. Thực tế, nếu phát triển không đúng hướng, DLCÐ không chỉ dẫn đến sự nhìn nhận, đánh giá của du khách về văn hóa bản địa bị sai lệch mà còn phá vỡ tính bền vững của hoạt động này. Thí dụ như tại tỉnh Hòa Bình - một trong những địa phương có nhiều năm xây dựng các hoạt động DLCÐ, bắt đầu xuất hiện hiện tượng người dân sở tại tự ý xây dựng những nhà nghỉ hai, ba tầng kiên cố hay những quán bar, quán bi-a, ka-ra-ô-kê... giữa núi rừng hoang sơ, gây phản cảm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương. Thậm chí, đã xuất hiện việc dỡ bỏ nhà sàn truyền thống để xây dựng những ngôi nhà sàn “bê-tông hóa”, lợp phi-prô xi-măng ở các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong... Những hiện tượng này khiến không gian văn hóa nhà sàn truyền thống của các bản DLCÐ bị lai tạp, ảnh hưởng vẻ đẹp và bản sắc riêng của đồng bào các tỉnh miền núi phía bắc. Hậu quả là nhiều du khách ngán ngẩm, không mặn mà quay trở lại. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do người dân chưa thật sự ý thức và hiểu rõ về văn hóa của địa phương mình, chưa ý thức được đặc trưng của loại hình DLCÐ, dẫn đến nhiều mô hình DLCÐ còn đơn điệu về nội dung hoạt động, mờ nhạt về bản sắc văn hóa. Chính quyền mỗi địa phương tuy nhận thức được vai trò của DLCÐ nhưng còn thiếu sự quan tâm đúng mức cũng như kinh nghiệm kỹ năng phát triển du lịch dẫn đến việc không tạo được các cơ chế đặc thù cho DLCÐ phát triển.

Thực tế phát triển loại hình DLCÐ những năm qua đã chứng minh, điểm quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn của loại hình du lịch này chính là bản sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc. Sự khác biệt, độc đáo của mỗi vùng, miền văn hóa chính là điều thu hút và níu giữ du khách. Vì thế, để DLCÐ phát triển, theo các chuyên gia, quan trọng vẫn là cộng đồng phải ý thức sâu sắc về giá trị đặc sắc của văn hóa địa phương, từ đó có biện pháp bảo tồn nét đẹp, phong tục của văn hóa bản địa cũng như có cách truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tự hào. Về mặt cơ chế, cần tháo bỏ các vướng mắc đang hạn chế DLCÐ. Trong đó, công tác quản lý nhà nước cần chú trọng việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả hình thức du lịch này; nâng cao vai trò của chuyên gia tư vấn trong việc xây dựng chiến lược và quy hoạch du lịch của từng địa phương để bảo đảm tính khoa học, khách quan; tránh hiện tượng quy hoạch du lịch méo mó, không dựa vào thế mạnh của vùng, miền. Một giải pháp khác nhằm bảo đảm phát triển DLCÐ bền vững là thúc đẩy liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong phát triển DLCÐ, thông qua cơ chế phân phối lợi ích đồng đều, bảo đảm người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi; du khách cũng được thụ hưởng đầy đủ các sản phẩm du lịch từ chi phí họ bỏ ra. Ðể làm được điều này, Nhà nước không chỉ cần xây dựng được cơ chế quản lý và giám sát hợp lý mà phải huy động được nguồn lực để tái đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Chính vì vậy muốn phát triển loại hình du lịch này và không ngừng gia tăng giá trị từ các hoạt động du lịch tại mỗi địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, sự vào cuộc của các ban, ngành địa phương và ý thức từ chính mỗi người dân trong nâng cao nhận thức, không ngừng đa dạng các hoạt động du lịch, chú trọng chất lượng dịch vụ, bảo tồn nghiêm và có ý thức tôn trọng di sản. Chỉ có như vậy các hoạt động du lịch dựa trên giá trị của văn hóa, di sản bản địa mới thật sự bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất