Công an TP đã mở 11 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và
tệ nạn xã hội. Điều tra, khám phá 108 chuyên án hình sự các loại, bắt 281 đối
tượng. Bên cạnh đó, đã bắt và vận động ra đầu thú 207 đối tượng, triệt phá
487/516 vụ phạm pháp hình sự với 706 đối tượng bị bắt, tỷ lệ điều tra, khám phá
án đạt 94%.
Nhiều phong trào, mô hình, điển hình về phòng, chống tội phạm
có hiệu quả, tạo được sự ủng hộ của nhân dân như mô hình “3 không” (không tội
phạm, không ma tuý, không mại dân), mô hình “xã hội hoá nữ tuần tra
đêm”, “Xứ đạo, họ đạo 3 không”…
Trước dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới sẽ tiếp tục
diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự ngày càng gắn liền với tội phạm ma tuý, tội
phạm kinh tế và chức vụ, hình thành các tổ chức tội phạm móc nối trong ngoài,
hoạt động ở nhiều lĩnh vực, TP Cần Thơ nhấn mạnh đến việc chủ động nắm chắc tình
hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, phân loại tất cả các đối tượng trên địa
bàn, kịp thời loại trừ các yếu tố là nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội
phạm, các yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, chú ý đến những mâu thuẫn trong
nội bộ nhân dân có thể nảy sinh thành tội phạm.
Tăng cường vai trò nòng cốt của lực lượng công an các cấp trong
tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tội phạm;
tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung truy
bắt các đối tượng truy nã, thi hành án, nâng cao chất lượng công tác điều tra,
xử lý tội phạm.
Tăng cường lực lượng cơ động phòng, chống tội
phạm
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
nhấn mạnh một trong những thành quả lớn là trong 2 năm qua TP Cần Thơ không để
xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; nhiều mô hình tốt về bảo vệ an ninh trật
tự, tiến hành đối thoại trực tiếp với nhân dân tạo không khí đoàn kết, tin tưởng
của nhân dân với chính quyền và người thực thi nhiệm vụ; công tác chuyển hoá địa
bàn phức tạp về an ninh trật tự có hiệu quả, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, phòng
cháy chữa cháy được tăng cường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần
sớm được khắc phục. Đó là tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, tinh vi, tội
phạm xã hội đen, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm vị thành niên, tội
phạm kinh tế vẫn là mối quan ngại và lo lắng của nhân dân.
Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện như quán
bar, cầm đồ, nhà nghỉ, quản lý vật liệu nổ vẫn chưa hiệu quả, công tác tuyên
truyền vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm có lúc, có nơi còn lơ là,
chưa sát sao.
Nhận thức về việc phòng ngừa của một số ngành, các cấp chưa đầy
đủ, vai trò của chính quyền, đoàn thể trong giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân
Về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ, các loại tội phạm
xã hội cần được tập trung xử lý. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48/CT-TW và Nghị
quyết 39/NQ-QH13 một cách thường xuyên, đề cao vai trò người đứng đầu. Cụ thể, ở
đâu có tội phạm lộng hành ở đó Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an phải chịu trách
nhiệm. Tăng cường nâng cao ý thức và đề cao cảnh giác của toàn dân. Đẩy mạnh
quản lý nhà nước về an ninh trật tự và quản lý về cư trú, quản lý người nước
ngoài...
Xử lý nghiêm các cán bộ thực thi pháp luật bảo kê, tiếp tay,
dung túng tội phạm để tội phạm lộng hành, đe doạ cuộc sống bình yên của nhân
dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Cần Thơ nghiên cứu vận dụng mô hình của
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống tội phạm, tăng cường lực lượng cơ
động trong phòng, chống tội phạm.
Thành phố Cần Thơ sớm triển khai mở đợt cao điểm tấn công
trấn áp tội phạm, bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán thực sự an toàn, vui
tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu
các đề xuất của TP Cần Thơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Cũng trong ngày 12/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm
đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư
Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và thăm Mẹ Việt Nam Anh
hùng Đồng Thị Ngọc Sứ và gia đình hộ nghèo Trần Thị Kim Thanh, phường An Thới,
quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ.
Lê Sơn - Chinhphu.vn