Ngày 10/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng
quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm giai đoạn 2 bắt đầu vào
phần xét hỏi. Hội đồng xét xử đồng ý và yêu cầu luật sư sử dụng đúng số
liệu của vụ án giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật để phục vụ việc bào
chữa.
Dùng tiền vay để nâng vốn điều lệ là không đúng quy định
Trình bày đầu tiên tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc
VNCB) cho rằng, Hội đồng xét xử cần xem xét lại số tiền hơn 6.100 tỷ
đồng được xác định là hậu quả của vụ án.
Bị cáo Mai cho rằng, trong 6.100 tỷ đồng nói trên bao gồm hơn 4.000 tỷ
đồng dùng để nâng vốn điều lệ cho ngân hàng và hiện số tiền này vẫn nằm
trong VNCB, đã được “trộn lẫn” vào dòng tiền của ngân hàng ở thời điểm
đó.
Ngoài ra, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, có nhiều tài sản là cơ sở để
khắc phục hậu quả vụ án nhưng chưa được xem xét; Phạm Công Danh cũng
chưa được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả trước khi cơ quan điều tra
xác định con số thiệt hại của vụ án.
Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi dùng tiền vay để nâng vốn điều lệ là
không đúng quy định của pháp luật. Vì thế việc VNCB yêu cầu nâng vốn
điều lệ dựa vào tiền vay đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.
Đồng thời, theo giám định tài chính của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm khởi tố vụ án số tiền hơn 4.000 tỷ đồng đã không còn.
Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng
nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân
viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do
Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng
tên vay vốn tại 3 ngân hàng: Sacombank, TPBank và BIDV.
Số tiền vay được này, Phạm Công Danh đem sử dụng mục đích cá nhân, không
có khả năng chi trả. Ngoài ra, Phạm Công Danh cùng đồng phạm dùng tiền
của VNCB gửi sang Sacombank, TPBank và BIDV để cầm cố, bảo lãnh cho các
khoản vay nhưng sau đó bị ba ngân hàng trên thu hồi nợ từ chính số tiền
gửi này. Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến
VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Trầm Bê nhận trách nhiệm khi chỉ xem xét điều kiện có tài sản đảm bảo để cho vay
Khai tại tòa, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị
Sacombank) cho biết, có quen biết Phạm Công Danh đã 4, 5 năm (trước khi
được đặt vấn đề vay vốn).
Khi được Phạm Công Danh đặt vấn đề vay từ hơn 1.000 đến 2.000 tỷ đồng, Trầm Bê
đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Phạm Công Danh nói có đủ điều kiện
nên Trầm Bê giao Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) xem xét
hồ sơ.
Sau đó, Phan Huy Khang báo lại là đồng ý cho vay 1.800 tỷ đồng, là hạn mức tối đa mà Trầm Bê được phê duyệt.
Ngày 25/4/2013, Trầm Bê ký duyệt tờ trình của Sacombank Chi nhánh Hưng
Đạo và Chi nhánh Quận 8, đồng ý chủ trương cho các công ty của Danh vay
của hai chi nhánh.
Chủ tọa phiên tòa xét hỏi, theo quy định trong Luật tổ chức tín dụng,
ngoài việc có tài sản đảm bảo, điều kiện để cho vay là phương án kinh
doanh, phương án trả nợ của đối tượng vay vốn.
Ông Trầm Bê trả lời rằng chưa nghiên cứu hết Luật tổ chức tín dụng nhưng
đã giao cho Phan Huy Khang xem xét các thủ tục cho vay.
Bị cáo chỉ quan tâm rằng Phạm Công Danh có tài sản đảm bảo và chỉ đồng ý
chủ trương cho vay, cách thức cho vay như thế nào là trách nhiệm của
Tổng Giám đốc.
Bị cáo Trầm Bê vẫn nhận trách nhiệm khi chỉ xem xét về điều kiện Phạm
Công Danh có tài sản đảm bảo để cho vay tiền. Tuy nhiên, bị cáo Trầm Bê
cho rằng hành vi này là không trái quy định.
Bị cáo chỉ coi Phạm Công Danh là đại diện cho một pháp nhân tập thể,
không thể xem việc có quen biết và bàn bạc với Phạm Công Danh là có tư
lợi để cáo buộc bị cáo về tội cố ý làm trái và đề nghị Hội đồng xét xử
xem xét.
Còn bị cáo Phan Huy Khang thừa nhận trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành.
Bị cáo cho rằng mình tin tưởng và chấp hành chủ trương của Trầm Bê, bị
cáo đã xem xét hết các yếu tố cho vay nhưng do “anh em bên dưới làm chưa
chặt chẽ”. Phan Huy Khang khẳng định việc dùng tiền gửi làm tài sản đảm
bảo cho khoản vay là đúng quy định.
Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi./.
(TTXVN)