Những góc nhìn đa chiều, bày tỏ sự trân trọng của đại biểu Quốc hội và
cử tri đối với đóng góp đặc biệt quan trọng của những người đứng đầu bốn
cơ quan trong việc kiên quyết giữ vững chủ quyền Tổ quốc và những nỗ
lực lớn lao vì nước vì dân vì công lý.
Sáng 29/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận Báo
cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Buổi thảo luận phản ánh những góc nhìn đa chiều, bày tỏ sự trân trọng
của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với đóng góp đặc biệt quan trọng của
những người đứng đầu bốn cơ quan trong việc kiên quyết giữ vững chủ
quyền Tổ quốc và những nỗ lực lớn lao vì nước vì dân vì công lý.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của nhiều đại biểu
nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan trên trong thời gian tiếp
theo.
Phát huy hơn nữa vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước
Đối với Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nhiều đại biểu Quốc hội
khẳng định lĩnh vực tư pháp là một trong những kết quả nổi bật trong
nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch
nước quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây
dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ
công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá cao kết quả Chủ tịch nước,
Phó Chủ tịch nước đã làm được trong nhiệm kỳ qua; cho rằng Chủ tịch nước
với tư cách Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã quan tâm chỉ đạo đổi
mới xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đất nước và hội nhập.
Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước góp phần nâng
cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, hình ảnh Việt Nam ngày càng
được khẳng định trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong nhiều hoạt động chưa thể hiện rõ
quyền lực Chủ tịch nước trong đối nội và ngoại, nhất là đối nội; chưa
thực hiện rõ quyền lực pháp lý, ví dụ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ
trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh quốc gia. Chức năng trong
công bố luật và pháp lệnh mới chỉ thực hiện khâu cuối, Chủ tịch nước
chưa thực hiện quyền xem xét lại luật, pháp lệnh nếu có điểm chưa đúng.
Theo đại biểu Sơn, hạn chế này có nguyên nhân khách quan như những quy
định của Hiến pháp chưa cụ thể, Chủ tịch nước muốn làm cũng khó thực
hiện các mong muốn của mình. Đại biểu đề nhiệm kỳ tới đưa vào chương
trình xây dựng luật ban hành Luật về chế định Chủ tịch Nước.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì cho rằng
báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ đóng góp của người
đứng đầu nhà nước trong kết quả chỉ đạo những vấn đề kinh tế xã hội,
nhất là vấn đề quốc kế dân sinh. Bên cạnh đó, vai trò Thống lĩnh lực
lượng vũ trang của Chủ tịch nước được ghi trong Hiến pháp, nhưng mới thể
hiện trong phong, thăng giáng quân hàm quân hiệu, còn vai trò trong xây
dựng lực lượng, đầu tư tài chính, trang bị kỹ thuật cho quốc phòng an
ninh chưa rõ nét.
Đại biểu Phương cũng phân tích các văn bản quy phạm để Chủ tịch nước
thực thi quyền người đứng đầu Nhà nước không rõ, dẫn tới lúng túng trong
thực thi quyền hạn vì hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh. Từ đó, đại
biểu đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới hoàn thiện thể chế quy định Chủ tịch
nước để thực hiện đúng vai trò, của mình.
Quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết các vụ án oan sai
Các ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng nhiệm kỳ qua, Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều
cố gắng, nỗ lực trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định
của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã
hội quan tâm lấy lại niềm tin trong nhân dân. Song, nhiều ý kiến đề nghị
hai cơ quan tư pháp làm rõ hơn trách nhiệm, quy trình xử lý các vụ án
oan sai và có tinh thần, thái độ quyết tâm hơn nữa trong xử lý các vụ
việc này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn: Báo cáo của Viện
kiểm sát nhân dân tối cao có 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa
trang nêu hạn chế. Những hạn chế này lại rất chung chung. Trong khi đó,
có một số hạn chế tồn tại trong nhiều năm, làm dư luận bức xúc lại chưa
được đề cập trong báo cáo như để xảy ra oan sai người vô tội, bỏ lọt tội
phạm, người tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, giải quyết đơn khiếu nại,
giám đốc thẩm, tái thẩm chưa kịp thời, tiêu cực trong truy tố, điều tra
chưa được khắc phục,” đại biểu Phương dẫn chứng.
Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có 23 trang nêu kết quả đạt
được nhưng cũng chưa đến một trang nêu hạn chế. Trong khi thực tế là
rất nhiều vụ án không thi hành được, có những bản án tồn đọng trên chục
năm, đại biểu Phương nói.
Từ đó, đại biểu Phương đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát cần có giải pháp cụ
thể hơn, tập trung giải quyết khắc phục việc đơn thư tồn đọng, hạn chế
bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của người thực thi công vụ.
Góp ý với báo cáo của hai cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú
Yên) cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hai ngành này đứng trước yêu cầu đòi
hỏi rất lớn về cải cách tư pháp. Tuy nhiên chất lượng tranh tụng tại
phiên tòa, chất lượng phán quyết cần phải cố gắng hơn nhiều; đội ngũ cán
bộ hai cơ quan này vừa thiếu, vừa yếu, còn nhiều hẫng hụt nên án tồn
đọng, oan sai; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hai ngành cũng còn
nhiều hạn chế, đến giờ này trụ sở tòa án, viện kiểm soát cấp huyện nhiều
nơi chưa có phải đi thuê để xét xử.
Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị trong báo cáo của
hai cơ quan cần đánh giá thêm việc phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc
hội trong giám sát, xử lý án oan sai. Đại biểu cũng góp ý một số giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng công tố, xét xử trong nhiệm kỳ tới.
Nỗ lực lớn của Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế,
đảm bảo an sinh xã hội, ký kết nhiều Hiệp định thương mại quan trọng
trong bối cảnh hết sức khó khăn dưới tác động tiêu cực từ tình hình thế
giới và trong nước là những điểm nhấn quan trọng của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ được các đại biểu Quốc hội nêu bật trong phần đánh giá
về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016.
Các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ và các thành viên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy
theo hướng xây dựng nhà nước kiến tạo. Các ý kiến khẳng định sự trân
trọng những nỗ lực và những kết quả đáng ghi nhận của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, đồng thời bày tỏ tin tưởng, những hạn
chế, tồn tại sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin nhiều cử
tri cho rằng giá mà trong nhiệm kỳ vừa qua Thủ tướng sớm xử lý, kỷ luật
một vài vụ sẽ chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm lơ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiệm kỳ vừa qua ngoài những thành
tích mà cử tri công nhận, Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình
hình tham nhũng nghiêm trọng đã xâm phạm quyền lợi của người dân lương
thiện và suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia. Đặc
biệt, tình hình phạm pháp đang diễn ra tràn làn và ngày càng công khai.
Cho rằng trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy là của cả hệ thống chính
trị, nhưng ông Nghĩa nhấn mạnh Chính phủ có vai trò chủ công.
"Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây phải cải cách cách thức điều hành, Thủ
tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Thứ trưởng, Bộ
trưởng, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có sai phạm hoặc
không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ thì sẽ chấm dứt tình
trạng trên bảo dưới làm lơ," đại biểu Nghĩa nói.
Các đại biểu cũng trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung
trong nhiệm kỳ tới như để tinh giản bộ máy nhà nước, giảm biên chế, cần
tập trung sửa đổi ngay trong các văn bản luật quy định về tổ chức bộ máy
cơ quan nhà nước.
Có ý kiến đề nghị mạnh dạn nhất thể hóa một số chức danh giữa cơ quan
Đảng và cơ quan nhà nước, giảm bớt đầu mối cơ quan, tầng nấc trung gian;
đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; trong tái cấu trúc
nền kinh tế cần tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển
doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp vừa và nhỏ; thành lập Bộ Kinh tế
Biển...
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã
có 28 đại biểu đăng ký và phát biểu ý kiến. Các ý kiến cơ bản tán thành
với bốn báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc thể hiện
đầy đủ các mặt hoạt động của các cơ quan.
Trong nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, nhưng bốn cơ quan đã có nhiều nỗ lực
thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp,
pháp luật, góp phần đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong nhiệm kỳ tới các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tiếp
tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật hành chính, phát
triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội; ngăn chặn hiệu quả tham
nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh trật tự; có giải pháp hiệu quả ứng phó
với biến đổi khí hậu./.
(TTXVN)