Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 17, sáng 26/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 17, sáng 26/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Dự thảo Luật gồm 3 điều tập trung vào 3 nhóm vấn đề.
Cụ thể, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được chỉ rõ trong Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng và sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; thống nhất với cách xác định phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Trung ương 4,5,6,7,8 về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương để thể chế cụ thể hơn, sát hơn các yêu cầu trong nghị quyết, kết luận như ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; quản lý chặt chẽ biên chế trong các cơ quan thuộc bộ máy hành chính.
Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới (khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật – sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức), Tờ trình Chính phủ đề xuất 2 phương án.
Theo phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Phương án 2 cho rằng, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành Phương án 2 của Chính phủ.
Hiện nay, việc tuyển dụng người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động đang thực hiện theo hai hình thức: hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn và không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần.
Vì thế, việc quy định như Phương án 2 sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức, tránh được cơ chế “xin-cho.”
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cùng với việc sửa đổi chế độ hợp đồng theo hướng này, cần có sự điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng” có “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc, như thông qua việc đánh giá, phân loại, gắn đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động được tuyển dụng luôn phải nỗ lực, cố gắng.
Có ý kiến tán thành Phương án 1 của Chính phủ. Ý kiến này cho rằng quy định như vậy phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương; tăng thêm vai trò của cơ quan sử dụng viên chức, bảo đảm lựa chọn được người phù hợp cho vị trí thực hiện công việc, đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, làm động lực để viên chức đã được tuyển dụng luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Lao động về vấn đề này theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến chính sách đối với người có tài năng (khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật – sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức), nhiều đại biểu tán thành cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung này để thực hiện nghị quyết Trung ương và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trong luật hiện hành đã có Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng. Cụ thể hóa điều này, Chính phủ đã ban hành một số quy định cụ thể trong một số lĩnh vực và đã phát huy những hiệu quả nhất định trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, do lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng nên việc sửa đổi Điều 6 theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này rất phù hợp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cần bổ sung thêm nội dung tại Điều 6 theo hướng Chính phủ quy định cả khung cơ chế, chính sách để “phát hiện”, “bồi dưỡng”, “trọng dụng” người có tài năng.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và phải làm trong năm 2019 theo quy trình 2 kỳ họp.
Theo đó, dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong lần sửa đổi, bổ sung này, những vấn đề nào đã rõ, tạo sự đồng thuận nhất trí cao thì nên đưa vào. Những nội dung nào chưa thật sự cần thiết thì không cần sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, trong dự án Luật, vấn đề thẩm quyền phải gắn với phân cấp, phân quyền đồng thời gắn với sửa đổi chế độ trách nhiệm. Nếu không rõ chế độ trách nhiệm thì việc phân cấp chưa hợp lý và không hiệu quả.
“Việc phân cấp, phân quyền phải căn cứ vào Hiến pháp, quy định của pháp luật. Cái gì của Chính phủ, của Thủ tướng, của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh… phải rất rõ chứ không phải dễ dàng chuyển thẩm quyền của người này sang cơ quan khác,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
TTX