Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 18/5/2016 14:28'(GMT+7)

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày sinh nhật Bác

Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Làng Sen 2016.

Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Làng Sen 2016.

Nghệ An khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2016 

Tối 17/5, tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Lễ hội Làng Sen năm 2016 đã chính thức khai mạc. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước hướng tới ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
 
Lê ̃ hội Làng Sen năm 2016 diễn ra từ ngày 15-19/5 với nhiều hoạt động sôi nổi tại huyện Nam Đàn, thành phố Vinh thu hút sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. N goài các nghi lễ trang trọng như lễ dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ và diễu hành về quê Bác; lễ rước ảnh Bác và dâng hương, dâng hoa, báo công, tưởng niệm Bác Hồ ở Khu di tích Kim Liên, nội dung hoạt động lễ hội năm nay khá phong phú. Nổi bật là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quần chúng trong toàn tỉnh; Giải bóng chuyền Làng Sen toàn tỉnh; chiếu phim về đề tài Bác Hồ; hội trại, trưng bày chuyên đề ảnh, tổ chức trò chơi dân gian, thi “Người đẹp Lễ hội Làng Sen”, thi thả diều…
 
Lễ hội Làng Sen là sự kiện văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2016 trên quê hương của Người là dịp để nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác. Qua đó, người dân hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thông qua hoạt động Lễ hội , toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức cụ thể hơn trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh . Đặc biệt, Lễ hội Làng Sen còn góp phần tạo nên hoạt động văn hóa rộng lớn để nhân dân có điều kiện sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Với quê hương Nghệ An, Bác Hồ luôn dành tình cảm yêu thương, sự động viên, nhắc nhở, cổ vũ quý báu. Để ghi nhớ và thực hiện nguyện ước của Người, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều thành quả đáng về mọi mặt. Đặc biệt, từ năm 1982, một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng đã ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen, đã thể hiện lòng thành kính, biết ơn, sự ngưỡng vọng và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 2003, Liên hoan tiếng hát Làng Sen được nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh và toàn quốc. Ngay từ những năm đầu tổ chức, Lễ hội Làng Sen đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế tham dự. 

Ngay sau tiếng trống khai hội, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quê hương vọng mãi lời Người” đã mang tới cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ mang đậm văn hóa đặc trưng của người Nghệ.

Rước ảnh Bác Hồ trong Lễ hội Làng Sen 2016 

Tối 17/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An phối hợp với UBND huyện Nam Đàn và 20 đoàn về tham dự Lễ hội Làng Sen tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ theo hành trình từ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu Di tích Kim Liên) đến sân vận động Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. 

Lễ rước ảnh Bác Hồ và dâng hoa, dâng hương báo công với Bác là nội dung quan trọng trong chương trình Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2016 diễn ra từ ngày 16/5 – 19/5 tại Nghệ An nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ rước ảnh Bác Hồ góp phần thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ thành kính của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. 

Hơn 500 người đã tham dự hành trình diễu hành từ thành phố Vinh về quê ngoại Bác Hồ (làng Hoàng Trù) và rước ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ từ quê ngoại sang quê nội . 126 bức ảnh chân dung và 12 ảnh rước kiệu Bác Hồ qua các thời kỳ hoạt động cách mạng của Người ở trong và ngoài nước được Ban tổ chức làm mới. Những bức ảnh này đã đồng hành cùng các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Liên trong hành trình từ quê ngoại về quê nội Bác Hồ và đến sân vận động Làng Sen. 

Đoàn cũng làm lễ báo công tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích Kim Liên. Tại đây, đoàn đã thắp hương, dâng hoa lên bàn thờ và báo công với Bác, hứa sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Đoàn cũng nguyện đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016, tạo thế và lực mới cho những năm tiếp theo. 
Lễ rước ảnh đã gây ấn tượng sâu sắc, thiêng liêng, thành kính, trang trọng. Thông qua lễ rước ảnh Bác Hồ và báo công với Bác nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và đặc biệt tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm cho tư tưởng và tình cảm của Người ngày càng thấm sâu, tỏa sáng trong mọi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ./. 

Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2016 

Sáng 18/5, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2016. Đây là chương trình nghệ thuật quần chúng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca người quê hương đất nước nhằm tri ân công lao to lớn của Người nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác, hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. 

Tham dự Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm nay có 10 đoàn nghệ thuật quần chúng với gần 400 diễn viên, nghệ nhân. Tại liên hoan, khán giả được đắm mình trong các làn điệu của dân ca ví, giặm xứ Nghệ và thêm một lần được hát những bài ca ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước mến yêu, ca ngợi hòa bình, độc lập và chủ quyền của dân tộc. Tham dự liên hoan có nhiều chương trình được dàn dựng công phu, đội ngũ diễn viên hùng hậu, diễn xuất tốt, đạt đến tầm cao mới trong nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, tại liên hoan lần này có nhiều tác phẩm mới được công diễn, có sự tham gia của nhiều giọng ca triển vọng, nghệ nhân trẻ, góp phần đưa phong trào nghệ thuật quần chúng của tỉnh Nghệ An đi lên. 

Liên hoan Tiếng hát làng Sen diễn ra từ ngày 18-19/5 là nơi hội tụ sắc màu văn hóa độc đáo của các vùng miền quê hương xứ Nghệ, kính dâng lên Bác Hồ kính yêu. Đây là lần thứ 35 Liên hoan nghệ thuật quần chúng Tiếng hát làng Sen được tổ chức, trở thành điểm nhấn trong mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Hội thảo khoa học "Hồ Chí Minh với Mặt trận Việt Minh" 

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Hồ Chí Minh với Mặt trận Việt Minh", nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016), 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2016). Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. 

Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày10/5/1941, lấy danh nghĩa Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, nhằm chuyển hướng chiến lược cách mạng nước ta cho phù hợp với tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến mau chóng. Theo sáng kiến của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1941,Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập. Từ đó, cái tên Việt Minh đã gắn liền với những thắng lợi của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc suốt những năm 40 của thế kỷ XX. Mặt trận Việt Minh là biểu hiện sinh động nhất sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay. 

Hội thảo là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò to lớn của Người đối với sự ra đời và tổ chức, hoạt động của Mặt trận Việt Nam. Hội thảo tập trung đi sâu làm sáng tỏ hơn nữa những tư tưởng cốt lõi nhất của Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc thống nhất, vai trò, ý nghĩa to lớn của Mặt trận Việt Minh đối với cách mạng Việt Nam. Các đại biểu nhấn mạnh: Mặt trận Việt Minh ra đời xuất phát từ nhu cầu lịch sử khách quan, phản ánh sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Mặt trận Việt Minh là biểu tượng sáng ngời và tập trung của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. 

Các tham luận tại Hội thảo nêu rõ: Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã để lại những kinh nghiệm thành công, nổi bật, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Mặt trận Việt Minh là hình thức dân chủ, là cơ sở củng cố Đảng, chính quyền, nhà nước, từ đó phát huy vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện, giám sát, tạo sự đồng thuận xã hội, trở thành một nguồn lực phát triển đất nước, góp phần khai thác các nguồn lực bên trong, sức mạnh dân tộc. Thực tiễn luôn thay đổi không ngừng nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh về Mặt trận vẫn đang tỏa sáng cùng dân tộc, là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển trong thời kỳ hội nhập và mở cửa. Bài học thành công của Đảng ta về xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc nói chung và Mặt trận Việt Minh nói riêng có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta từ trước đến nay.

Trưng bày chuyên đề "Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc" 

Trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” đã chính thức khai mạc sáng 18/5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.  Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh ( 19/5/1941 - 19 /5/2016), Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5, hướng tới ngày bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021 tới đây. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới dự và cắt băng khai mạc trưng bày ý nghĩa này. 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh sáng kiến tổ chức trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa đúng vào dịp nhân dân cả nước đang sôi nổi tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5. Nội dung của trưng bày có mối liên hệ chặt chẽ với ngày bầu cử sắp tới. Mặt trận Việt Minh ra đời đã góp phần tập hợp, đoàn kết nhân dân Việt Nam cùng chung tay góp sức tham gia giải phóng dân tộc mà thành quả đầu tiên là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ thắng lợi đó, người dân Việt Nam đã có quyền tự quyết định vận mệnh của mình và đất nước. Ngày bầu cử 22/5 tới đây chính là dịp để toàn dân thể hiện quyền quyết định, lựa chọn những cán bộ đủ tài-đức-tâm-tầm, đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: Mặt trận Việt Minh là sản phẩm sáng tạo của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đấu tranh giành độc lập dân tộc, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và sáng lập. Trải qua các giai đoạn lịch sử với các tên gọi khác nhau xong Mặt trận luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, tập hợp, hiệu triệu toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung chí hướng, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình, hội nhập… Trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” giới thiệu đến công chúng gần 200 tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam lưu trữ. Trưng bày gồm 4 phần. 

Trong đó, phần mở đầu giới thiệu bối cảnh lịch sử (trong nước và quốc tế) trước khi thành lập Mặt trận Việt Minh. 

Phần tiếp theo nhấn mạnh nội dung “Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Mặt trận Việt Minh”. Phần này giới thiệu đến công chúng các hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về vai trò định hướng, chỉ đạo, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời Mặt trận Việt Minh. Trong phần này, có một số hiện vật, tư liệu khá đặc biệt. Đó là bản diễn ca “10 chính sách của Việt Minh” do chính tay Bác Hồ viết bằng thể thơ lục bát, dể hiểu, dễ nhớ để tuyên truyền, tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh. Một hiện vật khác làm người xem xúc động là chiếc va li bằng mây nhỏ bé, giản dị của Bác Hồ mang theo khi Người về nước ngày 28/1/1941 sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Người tiếp tục sử dụng chiếc va li này trong thời gian sống và hoạt động ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, năm 1941. 

Tiếp theo là phần trưng bày liên quan đến “Mặt trận Việt Minh-ngọn cờ tập hợp, đoàn kết dân tộc (1941-1951. Phần này gồm 2 nội dung chính là đại đoàn kết toàn dân tộc tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1941-1945) và đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1951). 

Phần kết thúc trưng bày đề cập đến việc “Phát huy tinh thần của Mặt trận Việt Minh về đại đoàn kết dân tộc". Phần này giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh về đại đoàn kết dân tộc thời kỳ đổi mới, lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh trong những năm qua. 

Trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh - Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” sẽ mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến tháng 8/2016 tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trưng bày này góp phần giúp công chúng hiểu rõ về vai trò của Mặt trận Việt Minh trong tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới lá cờ Việt Minh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, trưng bày cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Tồn tại trong vòng 10 năm (1941-1951), Mặt trận Việt Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam qua từng chặng đường lịch sử; thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất…

TG tổng hợp

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất