Mặc dù chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn, từ 20/4 - 20/5/2016, song
nhờ ý nghĩa sâu sắc nên cuộc thi đã tạo được một tiếng vang lớn và nhận
được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ xã hội.
Ngày 9/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Ngân hàng đã tổ
chức trao giải cuộc thi "Tìm hiểu về tiền Việt Nam" giai đoạn từ Cách
mạng tháng Tám thành công tới nay trên trang thông tin điện tử
thoibaonganhang.vn nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành ngân
hàng (6/5/1951-6/5/2016).
Giải nhất đã được trao cho chị Văn Thị Thanh Hải (Bình Định) với giải
thưởng trị giá 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao 3 giải
nhì, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải ba, mỗi giải trị giá 3 triệu
đồng và 10 giải khuyến khích.
Ban tổ chức cho biết, mặc dù chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn,
từ 20/4–20/5/2016, song nhờ ý nghĩa sâu sắc nên cuộc thi đã tạo được một
tiếng vang lớn và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ xã hội.
Theo thống kê, đã có hơn 46.500 lượt truy cập vào trang làm bài dự thi
với hơn 5.421 bài dự thi. Các thí sinh dự thi thuộc nhiều lứa tuổi,
thành phần. Từ những em học sinh - sinh viên đang theo học tại các
trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học; cho tới các cán bộ, công
nhân viên chức, người lao động đang công tác tại nhiều cơ quan đơn vị,
các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… trên cả nước.
Cũng theo Ban tổ chức, người cao tuổi nhất tham gia dự thi năm nay đã 95 tuổi (Hà Nội và người bé tuổi nhất 13 tuổi (Trà Vinh).
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị
Hồng cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua luôn
coi trọng và hướng tới một đồng tiền không chỉ sạch đẹp trong lưu thông
mà còn ổn định giá trị.
Chính vì vậy, ổn định giá trị đồng tiền luôn là mục tiêu xuyên suốt
trong lịch sử 65 năm hình thành và phát triển của hệ thống Ngân hàng
Việt Nam, nó gắn liền với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả,
nâng cao sức mua đồng tiền. Chính sách tiền tệ luôn hướng tới và phục vụ
cho mục tiêu này, song được điều hành rất chủ động và linh hoạt phù hợp
với diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế trong từng thời kỳ.
“Bởi vậy, việc bảo vệ, tôn vinh đồng tiền Việt Nam là trách nhiệm của
mỗi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cán bộ ngân hàng. Việc bảo vệ, tôn
vinh đồng tiền Việt Nam phải xuất phát từ những hành động nhỏ nhất, từ
việc sử đồng tiền đúng mục đích, tránh làm rách, làm hỏng đồng tiền,
không sử dụng vào những mục đích phi văn hóa, thoát ly đồng tiền một
cách không đáng có. Việc tôn trọng đồng tiền chính là tôn trọng văn hóa,
tôn kính hình ảnh Bác Hồ, chủ quyền độc lập của dân tộc,” bà Hồng nhấn
mạnh./.
(Vietnam+)